Danh mục lưu trữ: Kỹ thuật nhân giống

Kỹ Thuật Nhân Giống Cam Quýt

Giới thiệu các phương pháp nhân giống phổ biến với cam quýt, ngoài ra có thể áp dụng cho các dòng cây có múi

1. Nhân giống bằng phương pháp gieo hạt:

Là phương pháp lấy hạt giống cam quýt cho nảy mầm thành cây con. Hạt giống được thu từ quả đã chín thuần thục, trong điều kiện thích hợp, nảy mầm hình thành cây mới.

Nhân giống theo phương pháp này có ưu điểm: vận chuyển và bảo quản hạt giống dễ dàng, kích thước hạt giống nhỏ nên có hệ số nhân giống cao, cây con mọc từ hạt có bộ rễ khỏe, ăn sâu xuống đất.

Nhược điểm: cây con mọc từ hạt thường biến dị, không giữ được phẩm chất cây mẹ. Thời kỳ kiến thiết cơ bản dài, lâu cho ra quả. Sản lượng quả trên đơn vị diện tích thông thường thấp hơn so với sử dụng giống nhân bằng các phương pháp khác.

2. Nhân giống bằng phương pháp giâm cành:

Cam quýt và nhiều loại cây ăn quả khác có thể nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Cắt một đoạn cành bánh tẻ dài khoảng 15 cm, bỏ hết lá, cắm nghiêng xuống đất ẩm, nơi thoáng mát, đầu cành chồi lên khoảng 5 cm. Sau một thời gian cành ra rễ và phát triển thành cây mới.

Phương pháp này dễ làm nhưng có nhược điểm là tỷ lệ cành giâm bị chết cao.

3. Nhân giống bằng phương pháp chiết cành:

Đây là phương pháp nhân giống cổ truyền cho nhiều loại cây ăn quả.

Cách làm: Cắt một khoanh vỏ dài khoảng 3 – 4 cm trên cành định chiết, cạo hết thượng tầng, để se khô, bọc đất xung quanh, khi ra rễ cắt khỏi cây mẹ sẽ được một cây mới.

Chú ý:
 Chọn cây mẹ khỏe, cành chiết đủ tiêu chuẩn của cây mẹ, tuổi cành khoảng 2 – 3 năm.

Thời vụ chiết: vào khoảng tháng 3 – 4, hạ bầu vào tháng 5 – 6

– Vụ Thu: chiết vào tháng 8 – 9, hạ bầu vào tháng 10 – 11

4. Nhân giống bằng phương pháp ghép:

Là phương pháp nhân giống phổ biến nhất hiện nay, khắc phục được những nhược điểm của gieo hạt, giâm cành, chiết cành và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Nhưng để có được cây giống tốt, cần làm tốt các công việc sau:

– Sản xuất gốc ghép: giống cây gốc ghép là bưởi chua hoặc chấp. Vườn ươm nhân giống phải cách xa vùng bệnh vàng lá cam quýt. Cây gốc ghép có thể ra ngôi trực tiếp trên luống hoặc túi bầu có kích thước 15 x 25 cm đựng hỗn hợp đất phân. Cây gốc ghép cần giữ trong điều kiện cách ly nguồn bệnh và đặc biệt cần phòng trừ triệt để rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh vàng lá.

– Tuyển chọn cây mẹ ưu tú để lấy mắt ghép: chọn cây mẹ lấy mắt ghép ít nhất đã có 5 năm cho quả, cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và ổn định, chất lượng quả ngon. Đặc biệt là cây lấy mắt ghép không nhiễm bệnh vàng lá.

Chỉ lấy những mắt trên các cành khỏe, lấy mắt ở phần giữa cành dài khoảng 20 cm cho 5 – 6 mắt ghép.

– Thời vụ ghép: thời vụ ghép thuận lợi ở các tỉnh phía Bắc là các tháng 2, 3, 5, 7, 8, 9 khi thời tiết khô ráo.

– Phương pháp ghép: phương pháp ghép cam quýt phổ biến hiện nay là ghép chữ T hoặc ghép mắt dạng mảnh.

+ Phương pháp ghép chữ T: có thể ghép trên gốc từ 9 – 12 tháng tuổi. Dùng dao ghép cắt 2 lát trên gốc ghép cách mặt đất 15 – 20 cm (1 dọc, 1 ngang) tạo ra hình chữ T. Lấy mũi dao nạy vỏ theo vết dọc để luồn mắt ghép vào. Lấy mắt ghép bằng một lát cắt từ dưới mắt ghép đưa lên, sao cho mắt ghép lấy đi có dính một màng gỗ mỏng, đặt lên vết cắt hình chữ T đã tạo trên gốc ghép rồi cuốn lại bằng dây tự hoại.

+ Ghép mắt dạng mảnh: dùng dao ghép cắt 2 lát trên cành lấy mắt ghép để lấy mắt (cả gỗ và vỏ), cắt 2 lát tương tự trên gốc ghép, đưa mắt ghép vào và cuốn lại bằng dây tự hoại.

 Chăm sóc sau ghép: cây giống sau khi ghép cần được chăm sóc tốt. Tưới và bón phân đầy đủ, thông thường sử dụng NPK với tỷ lệ 5 : 7 : 5 pha loãng tưới hàng tháng. Cây giống tốt nhất được giữ trong nhà lưới chống côn trùng và phòng trừ triệt để sâu bệnh như rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, bệnh sẹo, loét… Cây con trong vườn ươm cần được bấm ngọn, tạo tán… Khi cây có 2 – 3 cành cấp 1, chiều cao thân chính từ 40 – 60 cm và sinh trưởng tốt, không bị bệnh vàng lá mới đem đi trồng.

  • Để tạo nên sân chơi lành mạnh , nơi giao lưu kinh nghiệm về Bonsai , Cây Cảnh.
  • Trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cây , kỹ thuật chăm sóc cây cảnh
Mọi ý kiến , thắc mắc mời liên hệ : 0906 886 896 – 0934 661 749 Mr Tùng
Chúng tôi luôn mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của độc giả.

Nhân Giống Bưởi Da Xanh Bằng Kỹ Thuật Giâm Cành

Giâm cành là kỹ thuật nhân giống vô tính có hệ số nhân giống tương đối cao so với kỹ thuật chiết cành, cây con mau cho trái, đồng nhất về đặc tính giống và quần thể trồng tương đối đồng đều.

Bưởi da xanh (BDX) là một trong những cây có giá trị kinh tế cao nhưng là loại cây rất khó ra rễ khi giâm cành. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng kỹ thuật, cây BDX vẫn có thể được nhân giống bằng cách giâm cành. Để đạt kết quả tốt khi giâm cành BDX, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nhân giống, bao gồm từ khâu chọn cây đầu dòng, chọn cành giâm, sử dụng hóa chất kích thích ra rễ, giá thể giâm cành đến các yếu tố ngoại cảnh như nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng. Tổng hợp các yếu tố này quyết định thành công của kỹ thuật giâm cành BDX.

1. Chọn cây BDX đầu dòng để nhân giống:

Cây đầu dòng sử dụng nhân giống phải khỏe mạnh, không mang mầm bệnh và côn trùng nguy hiểm. Cây đầu dòng dùng để lấy cành không nên sử dụng để khai thác trái, vì làm như vậy cây sẽ kiệt sức rất mau.

2. Chuẩn bị cành giâm:

Cành BDX được sử dụng để giâm có thể lấy ở hai dạng cành là cành ngang (mang trái) và cành đứng (cành vượt). Cành ngang chỉ lấy từ ngọn vào bên trong khoảng 20 – 25 cm ở giai đoạn cây không ra hoa. Cành vượt có thể lấy từ ngọn vào trong 40 – 50 cm, cây con từ cành này có sức sống mạnh. Cành giâm nên được thu lúc sáng sớm, trong tình trạng trương nước. Có thể trữ cành trong các bao plastic lớn, phun nước bên trong và cột miệng bao để tránh mất nước. Để bao trong mát, tránh ánh sáng làm nhiệt độ bên trong bao tăng cao. Chiều dài cành giâm khoảng 15 – 20 cm. Tỉa bớt lá dưới đáy cành, giữ lại 5 – 7 lá. Cắt bớt 1/2 chiều dài lá để giảm thoát hơi nước. Vạt xéo đáy cành 1 góc 45 độ, dùng dao rạch vài đường ở đáy cành để tạo mô sẹo, kích thích sự ra rễ.

3. Chuẩn bị hóa chất:

Hóa chất được sử dụng để giâm cành BDX là các auxin tổng hợp, bao gồm NAA và 2,4-D. Nồng độ sử dụng: 4.000 ppm NAA + 500 ppm 2,4-D để kích thích ra rễ cành giâm BDX. Các hóa chất này có thể mua ở các cửa hàng bán hóa chất tinh khiết và thường được hướng dẫn cách pha trong cồn.

4. Giá thể giâm cành:

Giá thể giâm cành có 4 chức năng: cố định cành giâm, giữ ẩm tốt, thoáng khí và che tối cho đáy cành. Có thể dùng mụn xơ dừa hoặc trấu để làm giá thể giâm cành. Dụng cụ giâm cành có thể là rổ nhựa, khay hay bồn chứa, bên trong chứa giá thể giâm cành. Đặt dụng cụ giâm cành trong nhà giâm cành hoặc đơn giản hơn là trùm lại bằng tấm nhựa kín, khoảng trống phía trên càng cao càng tốt, vì nó sẽ tăng khả năng giữ ẩm độ và giảm được nhiệt độ bên trong.

5. Giâm cành:

Lấy các cành giâm đã được chuẩn bị sẵn, nhúng đáy cành giâm vào hóa chất trong thời gian 3 – 4 giây. Cành sau khi xử lý xong để cho hóa chất thấm vào đáy cành. Khi chất thấm khô, cắm cành giâm vào giá thể giâm.

6. Chăm sóc sau khi giâm:

Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ ra rễ, sức sống và tỷ lệ chết của cành giâm. Nhiệt độ trong môi trường tốt nhất khoảng 30 + 2 độ C. Nhiệt độ cao làm cho lá cành giâm trở nên vàng và rụng. Sự hiện diện của lá còn trên cành ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ ra rễ của cành giâm. Ẩm độ của nơi giâm cành phải được duy trì ở mức 85 – 90% trong suốt thời gian giâm cành. Ánh sáng không quá cao, nên sử dụng ánh sáng khuếch tán trong khoảng 1.000 – 2.000 lux. Tốt nhất, là để trong nhà có mái che bằng lá, không có ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Ba yếu tố ngoại cảnh trên ảnh hưởng đến 50% sự thành công. Trong suốt quá trình giâm cành, nếu thấy lá trên cành giâm còn xanh, không rụng, không vàng thì mức độ thành công sẽ trên 50%. Nên theo dõi ẩm độ và nhiệt độ thường xuyên, phải bảo đảm các yếu tố này trong khoảng tối hảo thì tỉ lệ thành công mới cao.

7. Chăm sóc cây con:

Thời gian ra rễ của cành giâm tùy vào sức sống của cành. Nếu chọn cành khỏe mạnh và đồng nhất về kiểu cành thì thời gian ra rễ khoảng 45 – 50 ngày và tỷ lệ ra rễ đạt khoảng 60 – 65%. Sử dụng cành trung bình thì thời gian ra rễ dài hơn ( 60 – 85 ngày) và tỷ lệ ra rễ chỉ khoảng 50%. Cành giâm sau khi ra rễ được vô trong các bầu plastic có chứa thành phần đất, mụn xơ dừa và phân chuồng hoai.

Cây con vô bầu được để nơi thoáng mát và tưới nước thường xuyên. Mỗi ngày tưới 4 lần, sáng 2 lần, chiều 2 lần. Sau 1 tuần bắt đầu tưới thêm phân DAP. Ngâm phân DAP vào thùng nước lượng 2 g/lít, tưới vào bầu đất mỗi tuần một lần cho đến khi cành giâm ra lá mới.

Giâm Cành Nhân Giống Bưởi Năm Roi

Từ trước tới nay nông dân ĐBSCL chủ yếu nhân giống bằng phương pháp chiết cành truyền thống nên khó tạo được cây giống sạch bệnh, đồng thời hệ số nhân giống không cao.

Mới đây TS. Lê Văn Bé và các đồng nghiệp Khoa Nông nghiệp & Khoa học ứng dụng, trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu và thực hiện thành công phương pháp nhân giống bưởi Năm Roi bằng cách giâm cành.

Theo TS Lê Văn Bé, phương pháp nhân giống được thực hiện trên 3 loại hom: Hom có mang chồi ngọn, hom non không mang chồi ngọn và hom già hơn vừa hóa gỗ không mang chồi ngọn. Thời gian giâm hom từ 40-45 ngày cho kết quả khả quan, trong đó loại hom có mang chồi ngọn có tỷ lệ ra rễ cao nhất (90%). Với phương pháp giâm cành hệ số nhân giống đạt rất cao. Trước đây từ một cành chiết chỉ trồng được 1 cây thì nay với phương pháp giâm hom có thể nâng hệ số nhân giống lên gấp nhiều lần để trồng diện tích lớn.

Thực tế nhiều nơi đã áp dụng thành công, chúng tôi giới thiệu tóm tắt cách làm để bà con các nơi tham khảo, vận dụng.

– Chọn cây khỏe mạnh, đúng giống, đang trong thời kỳ cho quả ổn định, năng suất cao, chất lượng tốt làm cây đầu đòng để chuyên khai thác lấy mắt ghép hoặc hom cành để nhân giống.

– Chuẩn bị hom giâm: Các hom được cắt trên các cành bánh tẻ, lá đã ổn định (vào lúc sáng sớm trong tình trạng còn đang trương nước), dài 15-20 cm, đường kính 1-2cm. Vết cắt sắc, gọn, nghiêng 45 độ, không xây xước để dễ tạo mô sẹo, kích thích ra rễ. Cắt bớt 1/2 chiều dài lá để hạn chế mất nước.

– Chuẩn bị giá thể: Có thể giâm trên nền cát sạch, trên nền hỗn hợp gồm có cát sạch trộn với mùn xơ dừa, trấn hung hoặc rơm rạ phơi khô, băm nhỏ được tưới đủ ẩm.

– Cách giâm: Nhúng gốc cành giâm sâu 1 cm vào dung dịch chất kích thích ra rễ. NAA pha nồng độ 1.500 ppm trong thời gian 2-3 giây rồi cắm vào giá thể sâu 2-3 cm khoảng cách 15×15 cm rồi nén chặt gốc cho khỏi đổ ngã.

– Chăm sóc sau giâm: Dùng màng nilon quây che kín luống giâm tạo thành nhà màng duy trì độ ẩm 85-90%, nhiệt độ 28-30 độ C; phía trên làm mái che để che bớt ánh sáng.

– Chăm sóc cây con: Tùy theo chất lượng và từng loại hom sẽ ra rễ sau khoảng 40-60 ngày thì chuyển sang trồng trong bầu nilon với giá thể là mùn xơ dừa, đất mặt và phân chuồng hoai. Xếp các bầu giống thành luống trong vườn ươm tiếp tục chăm sóc.

Thời kỳ đầu mỗi ngày tưới nước 4 lần, sáng 2 lần, chiều 2 lần. Sau 1 tuần phâ thêm phân DAP (2g/lít) tưới trực tiếp vào bầu mỗi tuần 1 lần cho tới khi cành giâm ra lá mới. Bón thúc, phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh hại, tưới nước theo định kỳ cho đến khi cây giống đủ tiêu chuẩn đem trồng ra ruộng (khoảng 6 tháng sau).

Kỹ Thuật Nhân Giống Bưởi Da Xanh

Hiện nay, trồng bưởi bằng hạt gần như không còn được áp dụng vì có nhiều nhược điểm, đặc biệt là chậm cho trái. Nhân giống bằng cách chiết cành cũng chỉ dùng cho các vườn gia đình có diện tích nhỏ. Cách nhân giống phổ biến nhất hiện nay là ghép, nhất là ghép mắt.

Muốn nhân giống bằng phương pháp ghép, nhà vườn phải chuẩn bị kỹ giống bưởi làm gốc ghép và cây bưởi giống để lấy cành (mắt) ghép.

Gốc bưởi làm gốc ghép phải tạo từ giống bưởi đạt các tiêu chuẩn: ít bị nhiễm bệnh, nhất là các bệnh do virus, bệnh vàng lá gân xanh, bệnh nứt thân xì mủ và tuyến trùng; thích nghi với nhiều loại đất, chịu được hạn, úng và gió bão tốt; có nhiều hạt và phần lớn là hạt đa phôi để cho ra nhiều cây con khỏe.

Giống bưởi để lấy cành (mắt) ghép phải đạt các tiêu chuẩn: thích nghi với điều kiện địa phương, sinh trưởng tốt, nhiều quả và không có hiện tượng ra quả cách niên; quả phù hợp với nhu cầu thị trường về kích thước, màu sắc và chất lượng. Chú ý là không lấy cành ghép ở các cây bưởi bị bệnh virus và bệnh vàng lá gân xanh.

Cách ghép thường dùng là ghép mắt (ít tốn cành ghép) theo kiểu cửa sổ hay chữ T, trong đó kiểu ghép chữ T lật ngược dễ làm và tỷ lệ sống rất cao.

Cách làm: Hạt sau khi lấy ra khỏi quả phải gieo ngay xuống liếp ươm đã chuẩn bị kỹ. Gieo hạt thành hàng cách nhau 20cm. Sau 6 tháng loại bỏ các cây xấu, chọn các cây tốt trồng vào liếp ươm hay bầu ươm. Chăm sóc cho cây phát triển tốt 8-10 tháng sau cây đã có đường kính gốc từ 0,8-1cm (nơi cách cổ rễ 15-20cm) thì tiến hành ghép. Thời gian từ gieo hạt đến khi cây ghép được khoảng 14-16 tháng.

Vị trí ghép là nơi cách cổ rễ 20-30cm. Thời vụ ghép thích hợp nhất là đầu mùa mưa.

Ghép mắt bưởi da xanh
Sau khi ghép khoảng 2-3 tuần, mắt ghép đã liền thì tháo dây buộc ra. 1-2 tuần sau đó nếu thấy mắt ghép sinh trưởng tốt thì cắt ngọn gốc ghép (cách chỗ ghép 10-15cm). Cắm cọc và buộc dây để đỡ chồi ghép cùng cắt các chồi khác mọc trên gốc ghép chỉ chừa 1-2 chồi để giúp chồi ghép sinh trưởng. Sau khi chồi ghép phát triển khoảng 15-20cm cắt bỏ các chồi hỗ trợ đó đi. Khi chồi ghép đạt độ cao khoảng 30-40cm thì có thể đem trồng. Thời gian từ khi gieo hạt đến cây ghép trồng được là khoảng 20-24 tháng. Thời gian chồi ghép phát triển chú ý chăm bón và phòng trừ sâu bệnh, nhất là sâu ăn lá, sâu vẽ bùa, bệnh loét.

Kỹ thuật trồng và ghép cây Trám Đen

Theo kinh nghiệm của trồng và cấy ghép cây trám đen của bà con nông dân Hiệp Hòa, Bắc Giang thì thường trồng trám vào 2 vụ trong năm là vụ xuân từ tháng 2 đến tháng 4, vụ thu từ tháng 8 đến tháng 10

Kỹ thuật ghép cây trám đen giốngCây trám đen có tên khoa học là Canarium nigrum Engler, là loại cây trồng đa tác dụng được trồng rộng khắp miền Bắc và cả ở miền Nam Tây Nguyên. Trám đen là một đặc sản quý của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Quả trám đen ăn bùi, béo, rất ngon. Trồng cây trám đen cho hiệu quả kinh tế cao, cây trám đen cái 7-10 năm tuổi cho sản lượng 2 đến 3 tạ quả mỗi năm.

1. Cách ươm, nhân giống:

Trồng trám đen bằng hạt sẽ rất lâu có quả (7-8 năm mới bói quả), tán cây lại cao khó can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật như phun thuốc dưỡng cây, thuốc bảo vệ thực vật, thu hái…Khi trồng trám bằng cây ghép thì khắc phục được hoàn toàn những nhược điểm trên của cây trồng bằng hạt.

Gieo ươm gốc ghép: chọn những quả chín tách lấy hạt, rửa sạch thịt quả, phơi hạt khô trong bóng dâm. Ủ hạt trong cát ẩm 70-80%, sau khoảng 15 đến 20 ngày, hạt trám nảy mộng. Gieo hạt đã nảy mầm vào túi nilon có đục 4 lỗ thoát nước ở đáy. Chăm sóc cây con trong vườn ươm khi đạt 50 – 60 ngày tuổi, có 5 đến 6 lá thật, cần trồng thưa ở khoảng cách 40cm một cây để cây dễ dàng sinh trưởng. Khi cây đủ 1 – 1,5 năm tuổi, có đường kính gốc 1-2cm, cao 60-100cm là đạt tiêu chuẩn gốc ghép.

Kinh nghiệm ghép chám: Để tránh việc nhựa trám nhanh khô, lớp tượng tầng mỏng nên muốn có tỉ lệ cây sống cao đòi hỏi thao tác ghép phải nhanh, động tác kỹ thuật phải thành thục.Qua thực tế, đã đúc kết được một số kinh nghiệm ghép trám cần lưư ý sau:

Chọn cành bánh tẻ, vị trí ở giữa tán cây, tráng nắng, không bị sâu, bệnh hại trên những cây trám có 10-15 năm tuổi, có ít nhất 3 vụ quả ổn định, năng suất chất lượng cao làm cành ghép. Chọn gốc ghép và cành ghép có đường kính gần bằng nhau để diện tích tiếp xúc tượng tầng của cành và gốc ghép là lớn nhất.

Chọn thời vụ ghép thích hợp: Nhiệt độ không khí 25-30 độ C, nên ghép vào vụ xuân tháng 3,4 và vụ thu đông tháng 10, 11 là phù hợp. Có ít nhất 7 ngày sau khi ghép không bị mưa ướt cành và gốc ghép, nếu trong thời gian này mà gặp mưa cần chủ động che mưa bằng bạt nhựa. gốc ghép phải được cung cấp đủ phân và nước để dòng nhựa luyến lưu thông được thuận lợi, nhanh liền vết ghép.

Phương pháp ghép: Ghép nêm đoạn cành là tốt nhất. Chọn đoạn cành bánh tẻ dài 15-20cm, có 2-4 mắt ngủ. Cắt vát 2 phía vạc ống dầu ở đầu dưới cành ghép bằng dao ghép chuyên dùng sao cho cân nhau. Dùng kéo cắt cành, cát gốc ghép vị trí cách mặt đất 20-30cm. chẻ đôi gốc ghép sâu xuống phía gốc 5-7cm. Cắm cành ghép vào gốc ghép vừa chẻ sao cho phần tượng tầng (vỏ lụa giữa lớp vỏ ngoài và lõi gỗ) tiếp xúc với nhau nhiều nhất. Dùng giấy ghép nilon của Trung Quốc sản xuất quấn chặt cố định vài vòng cành ghép và gốc ghép rồi tiếp tục quấn theo chiều từ dưới gốc ghép lên trên cành ghép, buộc đầu cành ghép, quấn lượt 2 trở lại gốc ghép, buộc chặt sao sao cho giấy nilon thật khít vào cành và gốc ghép, hạn chế tối đa hơi ẩm thoát ra môi trường bên ngoài. Thao tác ghép phải nhanh chóngd trong vòng 45-60 giây, quá trình ghép cần che ánh nắng trực tiếp không cho chiếu vào vết cắt cành và mắt ghép.

2. Trồng và chăm sóc cây trám ghép:

Trám đen cần trồng ở đất phù sa cổ giàu dinh dưỡng, phù sa ven sông và đất đồi thấp (độ dốc dưới 100) có tầng đất dày hơn 1m, thoát nước mới duy trì được chất lượng quả. Đào hố trồng rộng 0,8 – 1m, sâu 0,8 – 1m. Bón lót mỗi hố 30 – 50kg phân chuồng trộn với 0,5 – 1kg supe lân, ủ kỹ trong 60 – 70 ngày. Khi trồng trộn đều phân với đất, san phẳng, trồng cây trám ở chính giữa hố.

Mật độ khoảng cách: Trám là cây lấy quả lâu năm, tán lớn, trồng bằng cây ghép với khoảng cách: 4-5m x 7-8m. Hàng sông bố trí theo hướng đông-tây; những cây ở hai hàng con liền nhau trồng theo hình nanh sấu để tận dụng tốt nhất ánh sáng mặt trời. Sau trồng 8-10 năm tỉa bỏ những cành giao nhau giữa các cây trong hàng.

Tưới đủ ẩm 70 – 80% sau trồng để cây sinh trưởng thuận lợi. Tạo tán cho cây con trong 3 năm đầu: Khi cây cao 1 – 1,2m tiến hành bấm ngọn. Mỗi cây giữ 4 – 5 cành cấp 1 và 8 – 10 cành cấp 2 toả đều xung quanh.

– Bón cho cây con (1 – 3 năm): Mỗi cây 20 – 30 kg phân chuồng, bón 1lần/năm. Từ 0,5 – 1kg urê, 0,2 – 0,5 kg kali clorua, 1 – 2 kg supe lân, bón làm 4 – 5 đợt/năm.

– Bón cho cây kinh doanh: Bón làm 3 đợt trong năm: Bón phục hồi sau khi thu quả, kết hợp với tỉa cành la, cành vóng, cành tược, cành sâu bệnh, phân chuồng 30- 50kg, bón đạm, lân, kali theo tỷ lệ 2 đạm: 1kali: 4 lân. Bón đón hoa vào tháng 1 tỷ lệ 1 đạm: 1 ka li. Bón thúc quả vào tháng 4 tỷ lệ 1 đạm: 2 kali. Vị trí bón dưới tán cây.

Phun chế phẩm A-H 502+Chất bám dính cho trám 2-3 lần. Từ 1-2 lần khi có nụ đến trước nở hoa rộ, 1 lần khi đậu quả non đường kính quả bằng đầu đũa để tăng đậu quả, chống rụng quả sinh lý, tăng 15-20% năng suất quả.

3. Thu hoạch, bảo quản:

Trám đen chín vào tháng 8- 9, khi chín quả chuyển từ màu xanh nhạt sang màu đen hoàn toàn là thu hoạch được, trám chín không đều trong một chùm, lựa chọn những quả chín thu hái nhẹ nhàng để khỏi ảnh hưởng tới quả bên cạnh. Để quả trong rổ rá thoáng đem đi tiêu thụ trong 7-10 ngày, nếu để lâu cần bảo quản quả tươi trong tủ lạnh 12-15 độ C.

Sau khi om chín trám, ngâm trám cả quả không bỏ hạt trong nước muối 10% đun sôi, để nguội, đựng trong chum vại sành bịt kín có thể bảo quản được 5-6 tháng.

Kỹ Thuật Nhân Giống Sung Cảnh

Sung có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng cách chiết cành, giâm cành song trong thực tế nhân giống giống bằng hạt được chú ý hơn vì tạo ra cây con khỏe

Nhân giống bằng gieo hạt cần chọn các quả đã chín đủ, thịt quả mềm để đãi lấy hạt. Chà sát để lớp vỏ hạt sạch nhớt sau đó đem gieo ngay. Trước khi gieo có thể ủ hạt ở nơi ấm để hạt dễ mọc. Đất gieo hạt cần nhỏ, mịn, sạch cỏ vì hạt nhỏ. Sau khi gieo tủ rơm rác mục thành cây con thì tưới nhẹ và ít tưới dần. Khi cây đạt chiều cao 15-20 cm có thể bứng đi trồng.

Nhân giống bằng các phương pháp vô tính có thể tiến hành bằng cách chiết cành, giâm cành và tách gốc song các cành này thường có hệ số nhân thấp, tỉ lệ sống không cao do đó ít được dùng.

Kỹ thuật nhân trồng và chăm sóc cho cây sung

Đối với sung, đất trồng cần chọn những đất có thành phần cơ giới trung bình đến nặng, không nên trồng ở đất cát, sỏi hoặc những đất có khả năng giữ nước kém. Tốt nhất nên trồng sung ở đất có nước, trên hòn non bộ hoặc chậu có nước và ít đất.

Chọn cây con có chiều cao từ 15-20 cm để trồng. Trước khi đánh bứng cây con trồng nếu có lá non cần cắt bỏ những lá này. Lấp đất đến cổ rễ của cây, tưới giữ ẩm 1-2 lần trong 1 tuần cho cây.

Sung không đòi hỏi chăm sóc đặc biệt, song để cây phân nhiều cành, lá nhỏ và cành không vươn dài cần chú ý bón lân và cắt tỉa cành, lá cho cây. Nước là yếu tố chủ yếu ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng vì vậy có thể điều tiết lượng tưới và số lần tưới nước để khống chế sinh trưởng của cây.

Để cho cây mau to ngoài cắt tỉa cành lá người ta còn chú ý băm bỏ gốc và thân cây vào tháng 9-10 hàng năm.

Cây không có yêu cầu đặc biệt về phân bón, trong 1 năm tưới thúc cho cây 1-2 lần vào đầu hoặc cuối mùa mưa

Ghép cây hoa hồng

Hoa hồng là một loài hoa đẹp nhất trong các loài hoa, được xem là biểu tượng của tình yêu và niềm hạnh phúc, nhưng nó cũng là loài hoa khó trồng. Khó không phải ở chỗ trồng cho cây mọc lên mà làm thế nào cây hồng đó cho được những đóa hoa to, đẹp.

Kỹ thuật ghép cây hoa hồngHồng có nhiều loại, từ loại hoa nhỏ như hồng tỉ muội, hồng Huế, tường vi… đến những loại cho hoa to, màu đặc sắc như hồng Nhung màu đỏ thẫm (đang là giống hồng chủ lực của thị trường Hà Nội), hồng Vàng (còn gọi là Joséphine theo tên hoàng hậu Pháp, vợ của Napoléon Bonaparte), hồng Bạch, hồng Phấn (còn có tên Grace Kelly – vợ của ông hoàng Rainer de Monaco), hoa hồng B.B (theo tên minh tinh màn bạc nổi tiếng của Pháp – Brigitte Bardot)… Mỗi loài hoa hồng đều có vẻ đẹp riêng, màu sắc riêng. Đó là những đóa hoa không thể thiếu trong các phòng khách, phòng tiếp tân và hơn nữa, chúng làm cho người tặng lẫn người nhận đều cảm thấy hạnh phúc.

Nhưng còn người trồng hoa hồng? Họ cũng có cảm nhận hạnh phúc, có khi còn nhiều hơn vì đây là những cây hoa hồng mà họ chăm sóc, trổ hoa, bắt đầu từ cách chiết hay cách ghép.

Các loài hoa hồng màu sẫm thường mọc mạnh hơn các loài hoa màu nhạt.

Cây hồng chiết, mọc nhanh hơn, đâm cành nhiều nhưng hoa ít đẹp và không bền bằng cây hồng ghép. Phương pháp ghép mang lại điều lợi là ta có được những giống hồng quý hoa to ngay trên những giống tầm thường nhưng sức sống mạnh và đã thích hợp với thủy thổ địa phương. Hơn nữa, ta có thể tạo ra nhiều giống hồng cho hoa khác nhau trên cùng một gốc ghép. Trong trường hợp này cần ghép mắt cây hồng có hoa yếu (màu nhạt) trước một thời gian rồi mới ghép mắt cây mạnh (hoa sẫm màu) sau.

Thời gian thuận tiện cho việc ghép cây hoa hồng thường là vào mùa mưa (phía nam nước ta) hay mùa xuân (phía bắc).

Sau đây là những điểm chính của cách ghép hoa hồng:

* Chọn gốc ghép

Thường dùng giống tầm xuân (Rosa canina), hồng sen (Rosa indica), hay hồng chùm (Rosa Multiflora) làm gốc ghép, vì chúng là những giống hồng rất mạnh.

Gốc ghép được chuẩn bị bằng cách cắt từng đoạn, giâm cho ra rễ, các nhánh phát triển khoảng 3 tháng là dùng để ghép được.

* Chọn cành

Chọn cành vừa tuổi, từ 7-10 cm tính từ mặt đất, trên cành này chọn chỗ không có gai, phía hướng đông, lau chùi bên ngoài vỏ cho sạch, rồi dùng dao thật bén rạch một đường ngang và một đường dọc thành chữ T.

* Chọn mắt ghép

Trên cành của những giống hồng tốt mà ta muốn nhân giống, chọn cành tương đương gốc ghép và chưa mọc nhánh, bứt lá, chọn những mắt vừa nhú mầm và mập mạnh. Dùng dao bén gọt miếng vỏ gồm cả gỗ có mắt ở chính giữa, nhẹ tay tách vỏ ra khỏi phần gỗ sao cho đừng để mắt dính trên phần gỗ. Có thể cắt bớt 2 bên rìa phần vỏ này để vỏ vừa vặn với dấu rạch T ở gốc ghép.

* Ghép mắt và chăm sóc

Đặt mắt vào gốc ghép sao cho phần vỏ có mắt đó vào giao điểm 2 đường rạch trên gốc ghép, mắt cách đường rạch ngang 0,5-1cm là vừa. Dùng dây nylon buộc chặt và xuôi cho quá đầu vết vỏ rạch ở trên gốc ghép. Không nên buộc dây thành cục, dễ làm đọng nước nơi ghép. Khoảng 10-15 ngày sau tháo dây. Dùng dao lam tỉa bỏ các mầm mọc ở gốc ghép và phần dưới mắt ghép.

Trời nắng phải che mát nơi ghép. Cần tưới nước thường xuyên cho mắt ghép.

Khi mắt phát triển thành mầm được 10-12cm thì cắt cành chịu ghép (của gốc ghép) phía trên mắt từ 1-2cm. Dùng cây chói nhỏ và dây buộc gốc ghép, tránh lay động.

Từ đây, bắt đầu giai đoạn chăm sóc một cây hoa hồng.

Trừ các giống hồng địa phương, cho hoa không đẹp như hồng dây leo, hồng tỉ muội… nhưng lại có sức sống rất mạnh, thường được trồng bằng cách giâm cành còn đa số các giống hồng cho hoa lớn đều được gây giống bằng cách chiết hay cách ghép.

Ươm trồng cây lộc vừng

Buộc chặt dưới, nới lỏng trên giúp giữ nước và thông khí, đồng thời tích đọng sương đem hoặc nước bổ sung kích thích rễ mới phát sinh, được nuôi dưỡng dễ dàng.

Cây lộc vừng thuộc nhóm cây “bờ nước” vì có bộ rễ bán thủy sinh (họ hàng với cây gáo phổ biến ở miền hạ lưu châu thổ), phát triển tốt ở nơi nước lợ (nước “hai” ảnh hưởng thủy triều) có nồng độ muối biển từ 1- 3 phần nghìn. Lợi dụng đặc điểm sống trên, người ta thường “gắn” lộc vừng vào tiểu cảnh non bộ cho bộ rễ bám đá rất chắc chắn, lá thu nhỏ lại và dầy dặn cứng cáp, hoa buông thõng gợi cảm. Nhân giống lộc vừng bằng cả 2 con đường: Hữu tính từ hạt đã “chín cây” và vô tính bằng chiết vào mùa nóng ẩm (cây phát nhựa) hoặc giâm vào mùa hanh lạnh (thu mủ) khi lá rụng, chồi ẩn chưa hoạt động, đến đầu xuân tới mới được ra ngôi vào dịp tết trồng cây. Song chiết cành “chắc ăn hơn”, nhất là vào thời vụ tháng 5 – 6 dương lịch hàng năm khi lộc xuân đã chuyển sang cành “bánh tẻ”. Nên chọn những cành lộ sáng ở giữa thân (có tuổi sinh lý trung bình) vỏ dầy, dồi dào nhựa sống, sức đề kháng cao với sâu bệnh và bất lợi ngoại cảnh. Khoanh bóc vỏ (có độ dài vỏ gấp 1,5 – 1,8 lần đường kính của cành để tránh “dẫn thủy – liền sẹo” khó phát rễ trong bầu đất), cạo sạch tơ (là mô phân sinh – tượng tầng) rồi để ráo nhựa sau 7 – 10 ngày sẽ hình thành mô “sẹo” kích thích tái sinh rễ mới. Bó bầu bằng đất bùn ao đã khuấy kỹ nhào trộn nhuyễn với rơm, trấu, rễ bèo tây đủ ẩm và không bị rời rạc khi ấp vào nơi chiết. Bọc bằng giấy nilon trong và dai để dễ kiểm tra và không mất nước ở bầu đất.

Chú ý: Buộc chặt dưới, nới lỏng trên giúp giữ nước và thông khí, đồng thời tích đọng sương đem hoặc nước bổ sung kích thích rễ mới phát sinh, được nuôi dưỡng dễ dàng.

Nếu cành la tán lá nặng cần néo phía trên bầu với thân (hoặc cành lớn gần đó) tránh gẫy gục. Sau 2-3 tháng thấy rễ sơ cấp (rễ lớn) lan ra ngoại vi cần dỡ bọc, bó lần thứ hai cho chắc chắn, kích thích rễ thứ cấp phát ra từ rễ sơ cấp, mang lông hút đủ khả năng nuôi cành chiết tự lập ta cắt cành (dưới gốc bầu 3 – 5cm) hạ thổ.

Tỉa bỏ những cành tăm, cành khuất tán để loại trừ nơi ẩn nấp của sâu bệnh (tránh tia tử ngoại nắng trời) và dồn nhựa sống nuôi cành chủ lộ sáng. Uốn tỉa từ khi cành còn non cho đến giai đoạn bánh tẻ (có mầu vỏ trung gian gốc, ngọn). Trước khi trổ hoa 1 – 1,5 tháng (khoảng cuối hạ, đầu thu) cần thúc bằng NPK vi sinh ngâm nước tiểu pha loãng thành nồng độ 7 – 10% tưới 1 lần/tuần, để cây hứng sáng nhiều hơn, ắt phun nụ dầy, hoa sai, tươi lâu, đẹp bền…

Cho lộc vừng nở hoa theo ý muốn

Thông thường lộc vừng mỗi năm ra hoa 2 vụ, vào các tháng 6 – 7 và 10 – 11 âm lịch. Lộc vừng ưa nước nên dễ chăm sóc, có thể bắt lộc vừng nở hoa theo ý muốn vào dịp Tết.

Ngoài việc chăm bón đủ chất để ra nhiều hoa, ta phải tạo ra một bước đột biến về sinh lý cho cây. Nghĩa là phải làm cho lộc vừng trút bỏ toàn bộ lá già trong thời gian ngắn nhất, với bí quyết: tưới cho cây lượng phân kali hoặc natri hơi đậm. Sau 4 ngày toàn bộ lá xanh trên cây chuyển thành lá vàng và sau 3 ngày tiếp theo lá rụng hết. Sau khi cây rụng hết lá, hàng ngày ta tiếp tục tưới nước vo gạo để bồi dưỡng và kích thích cây phát triển lá mới. Khoảng một tháng mầm lá và mầm hoa sẽ đâm ra, khi hoa tàn, ta lại tiếp tục làm theo trình tự trên, thì lộc vừng lại tiếp tục nở hoa.

Nhân giống cây hoa bát tiên

Để nhân giống loài hoa này, người ta có thể gieo bằng hạt, nhưng rất lâu ra bông có thể mất hàng năm nên ít người áp dụng.

Bát tiên (Euphorbia milii) là loài hoa tuy mới được du nhập vào nước ta, nhưng do có nhiều giống, mỗi giống có một mầu sắc hoa khác nhau, rất đẹp và dễ thương, mặt khác chúng rất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của nước ta (nhất là vào mùa khô ở các tỉnh phía Nam), nên đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người chơi.

Để nhân giống loài hoa này, người ta có thể gieo bằng hạt, nhưng rất lâu ra bông (có thể mất hàng năm) nên ít người áp dụng. Vì thế, những cơ sở sản xuất giống hoa thường áp dụng phương pháp giâm cành. Nhân bằng phương pháp này tuy rất đơn giản, nhưng nếu không biết cách sẽ rất dễ bị thất bại. (Nhất là những người chơi hoa không chuyên, muốn tự tay mình tạo thêm giống để đỡ tốn tiền mua giống). Có trường hợp sau khi giâm một thời gian, toàn bộ cành giâm đều bị thối.

Sau đây xin mách các bạn cách làm để đạt được tỷ lệ thành công cao:

Chọn những nhánh có độ dài khoảng 20-25 cm, không quá non. Lấy dao sắc cắt rời nhánh tại vị trí sát với thân chính (chỗ nhánh bị thắt lại). Khi cắt phải dùng dao thật sắc, để chỗ cắt không bị bầm giập.

Cắt xong, các bạn đem giâm bằng một trong hai cách:

– Cách thứ nhất: Đem cắm chỗ vết cắt vào nước (cho ngập khoảng 2-3 cm) đặt vào chỗ mát, sau một thời gian nhánh sẽ mọc rễ. Khi rễ ra dài 1-2 cm thì đem trồng. Để cho nhanh ra rễ các bạn có thể pha thêm thuốc kích thích ra rễ vào nước (thuốc này có bán ở cửa hàng phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật).

– Cách thứ hai: Sau khi cắt, đưa nhánh vào chỗ mát, có mái che. Chờ khi nào vết cắt khô nhựa, lành vết sẹo thì đem giâm. Để kích thích cho nhánh mau ra rễ, cắt xong các bạn chấm thuốc kích thích ra rễ như Rootone, Rooting Powder, Dryroot-2… vào chỗ vết cắt.

Sau khi nhánh ra rễ (theo cách thứ nhất) hoặc sau khi chỗ cắt khô nhựa, lành sẹo (theo cách thứ hai) thì đem giâm nhánh vào chỗ mát. Tưới nước giữ cho đất hơi ẩm (nhớ không được tưới quá nhiều nước vì sẽ làm cho chỗ vết cắt bị thối lan dần lên phía trên. Nhiều người giâm cành bị chết cũng vì lý do này). Giâm xong che mưa nắng cho cành giâm. Khi nào thấy đất hơi khô thì phun sương để giữ ẩm. Khi cành giâm đâm chồi, nẩy tược thì tăng thêm nước tưới, tạo cho đất vừa đủ ẩm là được.

Với những cành ở sát mặt đất, cũng có thể nhân giống bằng cách lấy dao sắc cắt đứt khoảng 2/3 đường kính của nhánh (cắt sát với thân chính) khi chỗ cắt khô nhựa, lành vết sẹo thì đắp đất chùm lên chỗ cắt. Khi thấy chỗ cắt ra rễ thì tách nhánh rời khỏi cây mẹ, giâm vào chỗ mát để tạo cây mới.

Muốn có tỷ lệ thành công cao, các bạn nhớ là trước khi cắt cành để giâm khoảng 1 tháng, cần ngưng bón phân đạm, có thể bón thêm một ít phân lân và kali. Hạn chế tưới nước để cây hơi cằn lại một chút.

  • Để tạo nên sân chơi lành mạnh , nơi giao lưu kinh nghiệm về Bonsai , Cây Cảnh.
  • Trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cây , kỹ thuật chăm sóc cây cảnh
Mọi ý kiến , thắc mắc mời liên hệ : 0906 886 896 – 0934 661 749 Mr Tùng
Chúng tôi luôn mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của độc giả.

Nhân giống huệ tây bằng phương pháp nuôi cấy vẩy củ

Huệ tây hiện được trồng bằng củ nên tốc độ nhân giống chậm, cần nghiên cứu những phương pháp nhân nhanh gống Huệ tây bằng con đường nuôi cấy vẩy củ.

Hoa huệ tây (Lilium longiflorum, Liliaceae) là một loại hoa có kích thước lớn, mùi thơm mát dịu, có nhiều màu sắc đẹp.

Ở Việt Nam, giống hoa Huệ tây trắng được trồng nhiều ở Đà Lạt, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Mấy năm gần đây, hoa Huệ tây là mặt hàng xuất khẩu cho nên việc cung cấp giống hoa chất lượng tốt cho sản xuất trở thành một vấn đề quan tâm.

Do được nhập trồng ở Đà Lạt đã nhiều năm, không được định kỳ phục tráng giống nên hiện nay giống Huệ tây Đà Lạt đang trên đà thoái hoá trầm trọng do các bệnh virus gây ra, đặc biệt là các bệnh virus khảm lá.

Huệ tây hiện được trồng bằng củ nên tốc độ nhân giống chậm, cần nghiên cứu những phương pháp nhân nhanh gống Huệ tây bằng con đường nuôi cấy vẩy củ.

I – VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NUÔI CẤY

Tách lấy vẩy  của củ hoa Huệ, rửa sạch bằng xà phòng, sau đó rửa qua cồn 70° trong 40 giây, dùng nước cất vô trùng rửa lại từ  3 đến 6 lần và cuối cùng vẩy được khử trùng bằng  HgCl2 (2%) trong 5 phút. Trước khi sử dụng, dùng nước cất vô trùng rửa sạch vẩy để tránh chết mẫu.

Các mẫu vô trùng được đặt vào môi trường nuôi, đựng trong ống nghiệm đóng chặt bằng nút bông đã được khử trùng ở 121°C (1 atm).

Môi trường nuôi cấy là môi trường MS (Murashige-Skoog, 1962) đã được cải tiến, có thành phần như bảng 1.

Điều kiện phòng nuôi cấy: ánh sáng (3000 lux), số giờ chiếu sáng: 16h/ngày, nhiệt độ 23-25°C.

Sau khoảng thời gian nuôi các mẫu vẩy trong điều kiện từ 5 đến 8 tuần, chúng tôi nhận được từ 4-6 chồi trên một vẩy, các chồi này tiếp tục phát triển thành cây non với rễ phát triển mạnh.

II- NHÂN NHANH GIỐNG CÂY CON BẰNG PHƯƠNG PHÁP TÁCH VẨY

Để tăng hệ số nhân giống cũng như  làm sạch bệnh của cây, chúng tôi tiếp tục tiến hành tách vẩy từ những cây con thu được trong ống nghiệm và cấy trong môi trường tương tự. Chúng tôi thu được nhiều cây con có đủ lá và rễ để trồng ra ngoài.

III- ĐƯA CẤY RA KHỎI ỐNG NGHIỆM VÀ CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC CÂY CON

1- Đưa cây ra khỏi ống nghiệm

Để hạn chế đứt rễ khi ra cây, chúng tôi đã giảm nồng độ thạch của môi trường nuôi cấy những cây chuẩn bị đưa ra đất xuống 7g/l.

Cây con lấy từ ống nghiệm được rửa nhẹ nhàng bằng nước sạch cho hết lớp thạch bám quanh gốc.

2- Chế độ chăm sóc cây con

Cây được trồng vào khay đựng loại đất cát thịt hoặc đất pha cát, trộn lẫn với phân chuồng và phân hoá học.

Để diệt các côn trùng hại củ, phải bơm thuốc Basudin, Furadan vào trong đất. Trong 15 ngày đầu, cây con cần được che nắng và mỗi ngày được tưới một lần bằng dung dịch dưỡng Knôp pha loãng 50% (Knudson C).

Theo dõi và phun thuốc trừ sâu bệnh.

Trong vòng 6 tháng, cây ra hoa và cho thu hoạch hoa đồng loạt.

IV- KẾT LUẬN

Quy trình nhân nhanh giống hoa Huệ tây bằng phương pháp nuôi cấy vẩy củ cho phép tạo ra được số lượng lớn cây giống trong thời gian ngắn, phục tráng giống hoa Huệ tây Đà Lạt đang trên đà thoái hoá hiện nay.

Nhân giống bằng vẩy củ có thể chủ động trong cung cấp giống theo từng thời vụ trong năm, để bảo quản giống khi cần thiết, đồng thời có thể thu hoạch hoa đồng loạt đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Aartrijk V.J, Blom-Barnhoorn G.J, 1980; Acta Horticulturae, V. 109, 297-302.

2- Aartrijk V.J, Blom-Barnhoorn G.J,1981: Scientia Horticulturae, V.14, 261-268.

3- Bigot C, 1970: Bull. Soc. Bot. Fr. Mérn.V.117, 66-72.

4- Holdgate P.D, 1977: Plant cell, tissue and organ culture. Edited by Reuiert.J and Bajaj Y.P.S

  • Để tạo nên sân chơi lành mạnh , nơi giao lưu kinh nghiệm về Bonsai , Cây Cảnh.
  • Trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cây , kỹ thuật chăm sóc cây cảnh
Mọi ý kiến , thắc mắc mời liên hệ : 0906 886 896 – 0934 661 749 Mr Tùng
Chúng tôi luôn mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của độc giả.