Danh mục lưu trữ: hoa cảnh đẹp

Vườn hoa sứ độc đáo của nghệ nhân Nguyễn Huy Hoàng

Rắn, rùa, cá, voi, chim, tòa tháp, chai rượu… có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng xuất hiện khắp nơi trong vườn nhà ông Nguyễn Huy Hoàng.

Nghệ nhân Nguyễn Huy Hoàng là chủ vườn sứ độc đáo trưng bày tại hội hoa xuân TP.HCM năm trước. Ông đã “hô biến” những cây hoa sứ thành đủ các hình dáng độc đáo như hình con rắn, rùa, cá, voi, chim, tòa tháp, chai rượu… có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Ông Hoàng cho biết, để tạo được hình dáng một cây hoa sứ cảnh như trên mất rất nhiều công sức chăm bón, tỉa, uốn nắn tạo thế, ngoài ra còn phải kỳ công khắc họa đường nét để chúng được hoàn hảo.
Nhiều người tham quan chợ hoa xuân rất thích thú khi dừng chân trước khu trưng bày hoa cảnh của ông Hoàng, các du khách quốc tế trầm trồ vì đây là lần đầu họ thấy các thế cây này. Nghệ nhân Nguyễn Huy Hoàng cho biết giá những cây sứ này từ 3 – 4 triệu đồng, cũng có cây đến 30 triệu đồng, tùy theo kích cỡ và hình dáng.
Cây hoa sứ được “hô biến” thành những con rắn, biểu tượng của năm Qúy Tỵ

Chú rùa hoa sứ này có giá khoảng 4 triệu đồng.

Thật khó tin nhưng “chú chim” trong lồng chính là một cây hoa sứ.

“Cá lớn nuốt cá bé”.

Một chú voi con.

Anh hùng cưỡi ngựa.
Một con cá chép sặc sỡ màu sắc.
Chú chim cánh cụt “đi lạc” ở hội hoa xuân.
Tòa tháp và hoa sen được “hô biến” từ thân cây hoa sứ.
Cây hoa sứ Thái giống hình con rắn đang bò có giá 30 triệu đồng.
 Trường Nguyên
Theo Infonet

Cách trồng và chăm sóc cây hoa thiên lý

Thiên lý là cây thích vươn lên cao theo chiều thẳng đứng, thích nơi nhiều nắng, gió, cây ưa ẩm, chịu rét kém, ưa sáng, sinh sản vô tính và hữu tính.

Thời vụ trồng

Có thể ươm trồng quanh năm nhưng tốt nhất là ươm cây vào tiết Đông chí (đúng lúc cắt tỉa dây nhỏ, diệt khuẩn cho cây được 2 năm trở lên).

Giống và cách ươm cây

Chọn dây thiên lý già, (da màu xám có vân nhăn nheo) không có bệnh, đường kính tối thiểu 6 – 7mm, nếu được 10mm là tốt nhất. Có thể cắt đoạn ngắn (hom) dài khoảng 30cm để ươm bầu hoặc cắt đoạn dài 80 – 100cm để khoanh tròn ươm trong chậu hoặc trồng ngay lên hố đã chuẩn bị sẵn. Sau khi cắt cần chấm tro (hoặc tàn hương) để chống chảy nhựa, mất nước và sát khuẩn rồi mới ươm trồng; để đầu thò lên mặt đất 10cm. Tưới đủ ẩm, chống rét cho cây qua 2 tiết: Tiểu hàn và Đại hàn. Che đậy để tránh người và súc vật va chạm vào. Cắm que cho cây leo, chỉ để 2 mầm thành dây leo lên giàn.

Trồng ngoài đồng, bãi

Chọn đất pha cát, nơi dễ tưới, tiêu nước. Xung quanh không có cây to, núi cao che khuất. Lên luống cao 40cm, mặt rộng 40cm. Cách 3 mét bổ 1 hốc 20 x 30cm; cho phân chuồng hoai mục lót dưới. Khi cây ươm đã leo cao khoảng 50 – 60cm đem ra trồng. Mỗi gốc thiên lý cần có diện tích giàn khoảng 10 – 12m2 (giàn hơi nghiêng kiểu nhà 2 mái, trục nóc Bắc Nam).

Trồng trong sân vườn 

Nơi hiếm đất, nhà ở đô thị, tối thiểu phải xây bồn cao 30cm, trong lòng rộng 30cm, dài 100cm. Đào sâu xuống đất 50cm, bốc đất lên, xếp xuống đáy 1 lớp vỏ Dừa (đã lấy nước uống), cứ 1 lớp xơ Dừa lấp 1 lớp đất 10cm (để dễ thoát nước và tạo phân bón cây sau này) rồi trồng bầu thiên lý đã phát triển thành cây (dây thiên lý dài 50cm), lấp đất kín bầu (vừa bằng mặt đất, cách thành bồn 30cm).

Trường hợp làm giàn dưới thấp: Chọn nơi không có cây to hoặc không sát nhà cao tường che nắng. Tối thiểu cũng phải có ánh nắng chiếu trực tiếp được 4 6 giờ mỗi ngày. Làm giàn hơi nghiêng vào góc có nắng chiếu.
Trường hợp làm giàn trên nóc nhà cao tầng: Nên làm giàn hơi nghiêng kiểu nhà 2 mái độ dốc khoảng 8 – 100 vừa tránh gió lớn vừa hứng được ánh nắng cả ngày; buộc dây cho thiên lý leo lên (khi cây chưa lên đến giàn, mỗi tuần phải thả chùng dây 1 lần để kiểm tra rệp), khi cây leo lên giàn đã tỏa nhánh thì không cần dây dẫn nữa.
Chăm sóc

Đảm bảo đủ ẩm, úng phải tiêu nước ngay. Khi dây leo cao được 2m, bộ rễ đã phát triển mới bón thúc bằng nước giải pha loãng 1/20, tưới cách gốc 60cm. Khi cây nằm trên giàn 50cm mới cho phát triển nhánh, chủ động dẫn nhánh tỏa kín giàn. Tránh để các nhánh quấn quýt vào nhau. Thường xuyên tỉa lá già, ủ rồi bón lại cho cây. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm cắt hết dây nhỏ và lá vào tiết Đông chí để diệt mầm bệnh và chống rét.

Sâu bệnh hại và cách diệt trừ

Rệp là nguy hiểm nhất nếu không tiêu diệt kịp thời, không bao giờ được ăn hoa thiên lý.

Phải kiểm tra hàng ngày từ lúc bắt đầu có lá, giết ngay bằng tay, nếu nhiều phải dùng chổi lông (chổi cạo râu hoặc chổi quét sơn tốt) quét rệp vào tờ bìa cứng rồi đốt cháy rệp. Khi có nụ phải kiểm tra xem rệp có chui vào kẽ chùm nụ hay không, nếu có thì dùng tăm nhọn đẩy rệp ra giết. Nấm đen (họ bạch phấn) như muội nồi nên thường gọi là muội, phát triển trên lá và dây; chỗ có nhiều lớp lá thường có nấm đen.
Nó làm cho cây chảy nhựa và suy yếu (thường phát triển vào mùa hoa, từ tháng 7 trở đi), diệt bằng cách không để lá dày nhiều lớp, hái bớt lá non để ăn, lá già để làm phân.
Nếu thấy muội đen, hái toàn bộ lá có muội rắc vôi bột vào đem chôn. Pha nước vôi quét vào dây có muội.
Cây cảnh – Bonsai
(Sưu tầm)

Một số kinh nghiệm trồng hoa phong lan

Hiện nay nghề trồng hoa lan phát triển rất mạnh. Hoa lan Việt Nam có rất nhiều chủng loại, mỗi loại mang một vẻ đẹp khác nhau.

Mùi hương quyến rũ cùng với vẻ đẹp kiêu sa của chúng đã làm mê hoặc biết bao người. Có nhiều loài thích hợp trồng như Dendrobium, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda, Cattleya… Đây là những loài ra hoa khỏe, đẹp và bền cây, cho thu hoạch liên tục. Nếu trồng lan để chơi, giải trí nên chọn: Dendrobium, Vũ nữ, Hồ điệp.
1. Thiết kế vườn
– Nếu trồng để kinh doanh: cần thiết kế khung giàn lan làm bằng sắt chắc chắn, đảm bảo bền, chống gió bão. Giàn che ánh sáng dùng lưới màu xám hay xanh đen. Giàn đặt chậu bằng sắt, giàn treo bằng tầm vông hay sắt ống nước. Hàng trồng nên thiết kế vuông góc với hướng đi của ánh nắng.
– Nếu trồng lan để chơi trên lan can, mái hiên, sân thượng: cần đặt thêm các chậu cảnh khác như cau, mai chiếu thủy , nguyệt quế … để giảm bớt sự khô nóng do ảnh hưởng của kết cấu bê tông, mái tôn…xung quanh.
2. Chọn giống
Có rất nhiều loài:
– Loài thích hợp cho trồng lan kinh doanh: là các giống MoNaKa, Dendrobium, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda, cattleya…là những loài hoa khỏe, đẹp và bền cây, cho ra hoa liên tục. Nên trồng nhiều chủng loại, nhiều màu sắc sẽ dễ tiêu thụ trên thị trường.
– Nếu trồng lan để chơi, giải trí: nên trồng Dendrobium, Vũ nữ, Hồ điệp vì đây là những loài dễ chăm sóc và ra hoa. Trồng lan có thể nhân giống bằng nuôi cấy mô hay tách mầm, chọn tách mầm từ các chậu lan lớn, mỗi phần để 2-3 nhánh. Dùng dao sắc khử trùng bằng cồn, vết cắt cần gọn, sau cắt bôi vôi vào vết cắt cho nhanh lành sẹo.
3. Chuẩn bị giá thể và chậu
Giá thể để trồng lan có thể dùng than gỗ, xơ dừa, vỏ đậu phộng.
+ Than gỗ nung chặt khúc, kích thước 1 x 2 x 3cm, đem ngâm, rửa sạch, phơi khô.
+ Xơ dừa xé tơi ngâm khoảng 1 tuần cho bớt tamin và mặn, phơi khô. Mụn dừa cần rửa sạch phơi khô. Vỏ dừa chặt khúc 1 x 2 x3cm xử lý nước vôi 5%.
+ Vỏ đậu phộng: Dùng vòi nước phun nhiều lần để lượt bỏ một số tạp chất, giảm nhiệt, chất dầu, sau đó cho vỏ đậu phộng vào chậu bằng nhựa hay khay đất nung, kích cở tùy loại và độ tuổi. Nếu trồng trên luống thì cho vỏ đậu phộng vào luống dày 20cm. Nếu trồng kinh doanh thì dùng giá thể là vỏ đậu phộng thì giá thành rẻ hơn. Ngoài ra vỏ đậu phộng hút nước ít, độ ẩm vừa phải, lan ít bị nấm hơn.
4. Cách trồng
– Trồng trên luống: Làm luống rộng 80cm, dài tùy khổ đất, cho vỏ đậu phộng vào dày 20cm. Hai đầu luống có thể dùng cột bêtông hay cột sắt để căng dây cáp, mỗi luống cần 3 hàng dây cáp nhỏ trên thanh ngang để định vị cho cây lan. Có thể điều chỉnh độ cao của dây cáp theo sự phát triển của lan.
– Nếu dùng lan cấy mô: thì khi lan mô đạt khoảng 4cm cần chuyển ra ngoài. Cây mô rửa sạch để trên miếng lưới hay rổ kê trên chậu nước để giữ mát cho cây con. Giai đoạn trồng chung trên giàn lấy xơ dừa bó xung quanh cây lan cấy mô, dùng dây thun cuốn lại rồi đặt lên giàn. Sau khi trồng trên giàn được 6 -7 tháng thì chuyển sang chậu nhỏ. Khoảng 6 tháng thì chuyển sang chậu lớn. Sau mỗi lần chuyển chậu khoảng 1 tuần mới được bón phân. Thay chậu còn tùy kích cỡ của cây, mức độ thối, hư mục rêu bám…
* Lưu ý: Lan trồng trong chậu lâu ngày ra hoa ít, cần dỡ lan ra khỏi chậu, cắt bớt các rễ già và quá dài, chuyển sang chậu mới, thay giá thể mới, lan sẽ sinh trưởng tốt và ra hoa trở lại.
5. Chăm sóc
Lan là cây trồng dễ chăm sóc, nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất cho lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.
– Ánh sáng: Lan không chịu ánh sáng mạnh, cần làm giàn lưới che bớt ánh sáng, khi mới trồng nên làm lưới che hai lớp. Ánh sáng khoảng 65 – 70% là tốt nhất. Sau khi trồng xong tưới nước luôn (tưới phun sương) và duy trì 2 lần/ngày. Sau trồng 3 ngày tưới vitamin B1, pha 1cc/lít để kích thích ra rễ. Sau 7 ngày tưới phân NPK 30 – 10 – 10, liều lượng 5 – 10g pha vào bình 8 lít để phun. Khi cây nảy chồi mới, cây ra rễ nhiều ta tăng lượng phân bón.
– Phân bón: Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá. Phân bón cho lan phải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng với thành phần và tỷ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Nguyên tắc chung là lan trong thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và kali cao, đạm thấp trong khi lan nở hoa cần kali cao, lân và đạm thấp hơn. Phân bón thích hợp cho các thời kỳ này là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển.
– Tưới nước: Lan rất cần nước cho quá trình sinh trưởng phát triển. Nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng nhưng không chết. Thừa nước, cây dễ bị thối đọt nhất là với các giống lan có lá đứng mọc sít nhau. Quá nhiều nước rễ có rong rêu và nấm bệnh phát triển mạnh. Nước tưới cho lan không quá mặn, phèn và clor dưới ngưỡng cho phép, pH 5,6. Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.
– Phòng trừ sâu bệnh: Lan là cây cũng dễ bị sâu bệnh, nhất là trong điều kiện chăm sóc kém, điều kiện môi trường không thuận lợi. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp. Liều lượng và nồng độ phun cần theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Nếu lan bị các loại sâu hại thân lá có thể dùng các thuốc chứa hoạt chất Fenitrothion, Trichlorfon như Ofatox 400EC, hoạt chất Cartap như Patox 95SP hay Captafon, Captan hoặc Actara 25WG. Lan bị rệp sáp, rệp trắng, rầy mềm dùng Supracid 40ED/ND, Suprathion 40EC, Bitox 40EC hay Ofatox 400EC. Lan bị nấm, vi khuẩn hay virus gây nên tình trạng cháy lá từng đám, vết cháy lan tròn dần, bệnh thối rễ dùng Zinep, Starner 20 WP hay Benomyl.
6. Thu hoạch và bảo quản hoa
Hoa cắt cành ngâm trong dung dịch khoảng 15phút giúp hoa lâu héo, sau đó bọc lại bằng giấy báo.
Theo Trung tâm khuyến nông Quốc Gia

Cách trồng và chăm sóc hoa đỗ quyên

Hoa đỗ quyên hay còn gọi là sơn trà hoa hay mãn sơn hồng là một trong những loại hoa cảnh được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới bởi vẻ đẹp dịu dàng của nó.

Hoa đỗ quyên có nguồn gốc ôn đới với nhiều màu hoa như tử quyên đỏ tía, hồng quyên đỏ nhạt, bạch quyên màu trắng và hoàng quyên màu vàng. Cây cảnh mang vẻ đẹp dịu dàng, ôn hoà, nữ tính, với thông điệp “hãy chăm sóc và giữ gìn sức khoẻ anh (em) nhé!-take care of yourself for me!”
Chọn giống

Trên thị trường nước ta hiện nay sử dụng rộng rãi giống hoa đỗ quyên Bỉ. Đây là giống đỗ quyên cây nhỏ, sai hoa, hoa to, đa dạng có cây còn cho cả hai màu. Các bạn có thể mua giống hạt về gieo hoặc dung phương pháp giâm cành hoặc chiết. Phương pháp giâm và chiết có thể cho thành phẩm nhanh hơn phương pháp gieo hạt.

Đất trồng

Đất trồng đối với giống cây đỗ quyên Bỉ là đất chua, nếu trồng trong đất kiềm có thể làm chết cây. Cách trộn đất: 1/3 là đất mặt, mặt đồi núi càng tốt. 1/3 là đất mùn của các loại lá cây họ thông, tùng…1/3 là phân của bò ngựa hay các loại gia súc ăn cỏ, phơi khô đập nhỏ. Trộn hỗn hợp đất trên với nước giải ngấu và ủ. Ủ càng kĩ thì càng tốt cho chậu hoa của bạn vì chất dinh dưỡng dễ dàng được hấp thu hơn.

Chậu trồng

Cần chọn chậu cân đối với cây, chậu to thì sẽ phải có nhiều đất hơn và lượng nước tưới cũng cần nhiều hơn. Nên chọn chậu có lỗ ở đáy chậu to, miệng rộng để dễ thoát hơi nước. Các bạn cũng có thể lựa chọn chậu hoa Greenbo với thiết kế 2 khay đựng nước riêng biệt dễ dàng điều chỉnh lượng nước.

Tưới nước

Đỗ quyên là loại cây thích thoáng, không ưa nắng. Mùa hè nên thường xuyên mang ra ngoài trời, để ở chỗ râm. Đỗ quyên còn là loại cây khó trồng do ưa chua.

Chỉ tưới khi thấy đất khô. Khoảng 10 tới 15 ngày tưới 1 lần giầm ăn pha loãng 10%, nếu không thì dùng nước vo gạo, nước đậu chua pha loãng mà tưới.
Mỗi tháng 1 lần tưới sunfat sắt pha loãng 0,5-1%, cây sẽ không bị bệnh vàng lá. Không có sunfat sắt thì dùng sắt gỉ ngâm nước pha loãng tưới cũng được.
Khi cần xúc tiến mầm hoa thì tưới phân lân.
Phòng trừ sâu bệnh

Chậu hoa đỗ quyên của bạn có thể bị nhện đỏ, rệp ống, nhện râu ngắn hay bệnh thối rễ, đốm nâu. Khi thấy cây hoa có những hiện tượng của sâu bệnh thì cần phun, xịt những loại thuốc đặc trị để dứt điểm.

Khi thấy rễ cây ăn lan ra cả đáy chậu thì cần thay chậu to hơn, kết hợp với cách trộn đất nêu trên
Bí quyết chung khi chăm sóc hoa

– Tưới đúng cách là bạn thành công 1 nửa (50%)

– Bón phân đúng cách và đúng lúc bạn thành công 30% nữa
– 20% còn lại là do thời tiết.

Hoa hồng leo đẹp kiêu sa ở SaPa

Vẻ đẹp của hoa hồng leo vừa kiêu sa, vừa hoang dại, không thô cứng như hoa hồng thông thường, đặc biệt, hương hoa rất thơm.

Hoa hồng dây (hồng leo) là một trong số đó là loài hoa hồng bản địa ở Sapa (Lào Cai). Hoa nở một mùa trong năm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Hoa hồng leo đặc biệt đẹp vì số lượng nở nhiều, làm tô điểm cho hàng rào và khu vườn của bạn thêm đẹp.
Nam Hồng
Theo Vnexpress

Cách trồng và gây giống hoa cánh bướm

Hoa cánh bướm có rất nhiều loại và cũng rất phổ biến ở nước ta, từ vùng cao đến vùng thấp đều có thể trồng được. Nó có thể làm cây cảnh ở sân vườn hay nơi công cộng

Cách trồng hoa cánh bướm
Hoa cánh bướm hay còn gọi là cúc sao nháy, hoa chuồn chuồn, thuộc họ hàng hoa cúc. Cũng vi thân quá yếu ớt, quá mảnh mai mà hoa cánh bướm ít khi nào sử dụng vào công dụng hoa cúc cắt cành như các anh em cùng giống loài, nên ta ít thấy bày bán, trưng bày hay cúng kiến.
Tuy nhiên không vì lý do này mà hoa sao nháy bị kém phát triển trái lại càng ngày sao nháy càng được ưa chuộng, là loại hoa làm cảnh đẹp cho vườn nhà ở các nơi nhờ vào bản tính gây giống, trồng trọt dễ dàng.
Gieo hạt từ tháng 9 -10 âm lịch thì hoa ra vào dịp Tết. Tuổi cây con 20-25 ngày. Trước khi trồng phải bón phân khoai mục trên nền đất làm thật kỹ.
Vì hạt quả nhỏ nên khi gieo lên luống cát cần gieo hạt cho thật đều. Sau khi gieo xong nên phủ 1 lớp rơm rạ mục để chống mặt luống bị váng và khi tưới nước hạt không bị dồn, hay khi có mưa to. Lớp che phủ luống sẽ được dỡ bỏ khi hạt bắt đầu mọc. Sau khi dỡ bỏ rơm rạ không nên tưới đẫm quá cây sẽ bị chết vì giống hoa này không ưa nhiều nước.
Bón phân 5m3 phân hoai mục cho 1 sào gồm: 3kg phân lân, 3kg phân Kali, 10-15kg vôi bột cho 1 sào. Một nửa lượng phân chuồng mục nên bón lót trước khi bừa đất lần cuối cùng để lên luống. Một nửa sẽ phân chuồng ấy sẽ được bón cho hoa trước khi trỗ.
Mật độ trồng 30x40cm. Khi cây phục hồi bón thúc nhiều lần (7 ngày 1 lần) bằng phân hoà với nước 1/5 – 1/4. Bón thúc vào lúc bắt đầu cỏ nụ là quan trọng nhất.
Để giống
Chọn cây có màu sắc đẹp, lấy quả đã già chín, phơi cả quả rồi đập lấy hạt. Quả tự tách dễ dàng, sàng lấy hạt chắc phơi khô bảo quản. Hạt Khó bảo quản nên phải phơi nắng nhẹ hay trong bóng râm. Phơi khô đễ nguội rồi mới cho vào bình cất giữ.

Cách chăm sóc hoa lan hồ điệp – Bonsaivietnam.net

Hoa lan hồ điệp rất lâu tàn, nếu biết cách chăm sóc hợp lý, bạn có thể chơi được từ 40 – 50 ngày.

Loài lan hồ điệp này có nguồn gốc từ Đông Nam Á và Australia, mọc ở độ cao 200 – 400 m. Khi cây được 1 – 3 năm tuổi thì phát triển mạnh về thân, rễ, lá. Do vậy, thời điểm này bạn cần chăm sóc tích cực nhất.
Thời gian nở
Hoa lan hồ điệp nở tất cả các mùa trong năm. Loài hoa cảnh này có tất cả gần 1.700 kiểu dáng, màu sắc khác nhau. 
Ánh sáng
Lan hồ điệp ưa bóng mát. Cây phát triển tốt ở nhiệt độ 20-35 độ C. Độ ẩm 60-80%.
Cách tưới nước
Mùa đông 2-3 ngày tưới một lần vào lúc sáng sớm và chiều tối. Mùa hè tưới ngày 2-3 lần tùy thuộc vào chất trồng cây lan là sơ dừa hay gỗ mục. Khi tưới, dùng vòi phun sương nhẹ và phải di chuyển qua một lượt rồi mới tưới trở lại để cho thấm đều vào chất trồng.
Cách tưới phân
Cứ 7 ngày tưới một lần với liều lượng quy định vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Tưới qua một lần nước, 10-15 phút sau thì tưới phân để cây hấp thụ tốt nhất. Cây Lan còn tưới phân NPK: 30.10.10. Lan trưởng thành dùng NPK 20.20.20. Khi cây nhú hoa dùng NPK 6.30.30 để cho hoa mập mạp, bền và sắc tươi hơn.
Phòng sâu bệnh 
Phun định kỳ thuốc Dithan M trừ nấm bệnh, 7 ngày một lần.
Chú ý: Khi hoa gần tàn, cây có hiện tượng yếu đi. Bạn nên cắt ngay cành hoa và tưới NPK 30.10.10.

Ý nghĩa các loài hoa theo phong thủy

Hoa là biểu tượng của vẻ đẹp, sự tinh tế và còn chứa nguồn năng lượng hưng thịnh, may mắn.

Từ lâu, thuật phong thủy đã sử dụng các loài hoa với ý nghĩa bổ trợ nguồn khí tốt cho ngôi nhà và gia chủ. Khi xét đến việc trang trí hoa theo phong thủy, bạn cần chú ý đến loài hoa, màu sắc và số lượng.
Dưới đây là 6 loài hoa thường được dùng trong phong thủy:
1. Hoa mẫu đơn

Hoa mẫu đơn bắt đầu được sử dụng nhiều trong đám cưới ở Việt Nam bởi ý nghĩa lãng mạn và sự sang trọng

Loài hoa này được sử dụng trong phong thủy với ước mong đem đến sự lãng mạn lứa đôi và xua tan mọi bất hòa trong tình yêu. Bạn có thể sử dụng một vài bông mẫu đơn màu hồng để phát huy tác dụng mạnh nhất. Hoa mẫu đơn thường được nhắc đến là loài hoa mang vẻ đẹp nữ tính của người con gái.
2. Hoa sen

Hoa sen tượng trưng cho sự hoàn hảo. Chính nhờ vẻ đẹp tinh khiết cùng hương thơm ngát không vướng bùn hôi tanh của sen mà loài hoa này rất được ưa dùng trong phong thủy. Theo đông y, tất cả thành phần của sen, từ rễ đến cánh hoa đều có tác dụng chữa bệnh. Do đó, phong thủy sử dụng sen với ý nghĩa mang đến cho gia chủ sức khỏe dồi dào, lành mạnh, không bệnh tật và tạo sự hài hòa, sang trọng cho ngôi nhà.

3. Hoa đào

Tết đến, gia đình người miền Bắc thường có cành đào đón xuân

Những cành đào nở rộ được sử dụng nhằm mang lại nguồn năng lượng cho sự khởi đầu mới, một cảm giác tươi mát, tinh khiết và ngây thơ. Hoa đào rất được ưa chuộng trong phong thủy. Những cành đào tươi thắm được cắm trong nhà dịp Tết đến xuân sang đem lại cảm giác tươi vui cho căn nhà và gia chủ.
4. Hoa lan

Loài hoa mang vẻ đẹp kiều diễm cùng hương thơm vô cùng sang trọng và quý phái này từ lâu vốn là biểu tượng phong thủy cổ điển của sự sinh sôi nảy nở. Ở phong lan, con người luôn cảm nhận được nguồn năng lượng dạt dào của tự nhiên, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sự hoàn hảo tròn đầy. Nét phong phú, đa dạng, hoàn hảo trong từng loài phong lan, mùi hương tinh khiết cùng vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho loài hoa này giúp cho ngôi nhà sang trọng hơn.

5. Hoa thủy tiên

Nếu bạn đang gặp phải những rắc rối liên quan đến công việc, sự nghiệp thì hãy đặt bên cạnh mình bình hoa thủy tiên trắng tinh khiết. Loài hoa này vốn được phong thủy sử dụng nhằm mang đến những nguồn năng lượng bổ trợ cho tài năng, nghề nghiệp, sự chuyên nghiệp và làm khơi dậy tiềm năng bẩm sinh của con người. Ngoài ra, thủy tiên còn là liều thuốc tự nhiên thúc đẩy sự sáng tạo ở con người và giúp ta có thể giải quyết những vấn đề hóc búa trong công việc hàng ngày. So với thủy tiên vàng thì thủy tiên trắng có nhiều tác dụng và được sử dụng nhiều hơn.

6. Hoa cúc

Hoa cúc họa mi đầu đông được cắm nhiều trong các gia đình ở Hà Nội

Trong phong thủy, hoa cúc biểu trưng cho một cuộc sống thanh bình, cân bằng. Với sắc màu của ánh mặt trời chói chang, hoa cúc mang trong mình nguồn năng lượng dương mạnh mẽ. Vì thế nó thường được sử dụng để thu hút sự may mắn cho gia chủ và các thành viên trong gia đình.
Việc đặt trong nhà một bình hoa tươi sắc để có được những nguồn năng lượng bổ trợ là lựa chọn hoàn hảo. Nếu không có điều kiện chăm sóc hoa, bạn có thể đặt các bức tranh vẽ các loài hoa kể trên cũng rất tốt cho căn nhà và các thành viên trong gia đình.
Theo VnExpress

10 cây hoa cảnh lý tưởng cho nhà đẹp

Là nhóm cây nội thất đẹp, chịu bóng tốt, không chịu được ánh nắng trực tiếp, đòi hỏi ẩm độ cao, giữ đất ẩm ướt và tưới nước thường xuyên.

1. Xương rồng bát tiên

Xương rồng bát tiên là một loài cây bản địa của vương quốc đảo Madagascar. Người dân ở đây trồng xương rồng bát tiên từ rất lâu đời với công dụng làm hàng rào, một số khác trồng chúng trong chậu đặt trong nhà với mục đích trang trí.

Xương rồng bát tiên có tên khoa học là Euphorbia milii thuộc họ cây đại kích (Euphorbiaciae). Nó được mang tên của vị thống đốc của đảo Reunion, ngài Baron Pierre-Bernard Milius. Vào năm 1821, vị thống đốc này đã giới thiệu xương rồng bát tiên tại Pháp như một loại cây cảnh trong nhà. Sau đó ông tặng nó cho Vườn Bách thảo Bordeaux (Pháp).
Tại Thái Lan, xương rồng bát tiên có tên là Siamese lucky Plant mang ý nghĩa loài thực vật may mắn của xứ sở này.
Ngày nay, cây bát tiên đã được nhiều người biết đến, do cây dễ trồng, siêng hoa, hoa to màu sắc đẹp và nhất là lâu tàn. Trồng bát tiên đảm bảo ngày nào cũng có hoa trưng bày trang trí làm đẹp ngôi nhà, sân vừơn, phòng khách….
2. Cây sống đời

Cây sống đời còn có tên gọi khác nhau như cây lá bỏng, cây hoa bỏng…, là một loại cây khá phổ biến ở Việt Nam.

Cây sống đời có nhiều loại như: sống đời tơ (bông lồng đèn), sống đời Đà Lạt, sống đời đỏ (bông nhuyễn, đỏ thẫm ra hoa tập trung vào dịp Tết), sống đời 5 màu (sống đời Thái)…
Cây sống đời là loại cây dễ trồng, có thể trồng được bằng cây con hoặc bằng lá. Theo đông y, cây sống đời có thể chữa trị rất nhiều bệnh như viêm họng, mất sữa, mất ngủ, viêm xoang mũi, lá cây sống đời có thể cầm máu rất tốt…
Như vậy, trồng một chậu cảnh sống đời vừa có tác dụng trang trí, làm đẹp cho ngôi nhà, vừa có một phương thuốc đông y tiện dụng.
3. Cây càng cua cảnh

Cây càng cua cảnh thuộc họ Piperaceae, có nguồn gốc lâu đời từ Brazil. Cây thân cỏ mọc ở đất hay gần như sống phụ. Cây mọc thành bụi nhỏ, thân nạc. Lá mọc sát đất, dày, nạc, dạng trái xoan thuôn nhọn ở đầu và tròn ở gốc. Phiến màu xanh bóng với các giải màu xanh đậm vòng theo các gân. Cuống lá đính ở gần gốc phiến (dạng hình khiên). Cụm hoa bông dài, mọc thẳng đứng, nổi rõ trên đám lá dày đặc ở dưới.

4. Cây ngà voi

Cây ngà voi (còn gọi là nanh heo), (tên khoa học là Sansevieria cylindrica), một loài thuộc giống Sansevieria trong gia đình của cây măng tây (Asparagaceae).

Đây là loại cây trồng trong nhà bán chạy nhất tại các nước vùng ôn đối vì nó có rất nhiều ưu điểm. Dễ trồng, không tốn công chăm sóc, vẫn phát triễn tốt trong tình trạng bị bỏ bê.
Bên cạnh đó cây ngà voi mang nhiều ý nghĩa tốt lành về mặc phong thủy. Ở Trung Quốc, cây ngà voi được trồng trong chậu đặt cạnh các biểu tượng rồng phụng. Tại Hàn Quốc, cây ngà voi thường được dùng làm quà tặng trong buổi lễ khai trương của các doanh nghiệp, hoặc các sự kiện khác.
Ngoài ra cây ngà voi  là loài có tác dụng lọc bỏ chất hữu cơ để bay hơi rất tốt, ví dụ như fromaldehit, xylene và toluene trong không khí, cây ngà voi còn là một trong những loài có tiếng trong việc ngăn chặn và giảm bớt các triệu chứng bệnh văn phòng ( hội chứng bệnh văn phòng – Sick building syndrome)
Không những thế, cây ngà voi sử dụng axit crassulacean quá trình trao đổi chất , hấp thụ carbon dioxide và giải phóng khí oxi vào ban đêm (quá trình quang hợp CAM). Đây là loài cây phù hợp trồng trong phòng ngủ, giúp tăng cường lượng oxy vào ban đêm.
5. Hoa anh thảo

Hoa Anh Thảo là loài hoa dại mọc nhiều ở các vùng ôn đới, có một đài hoa hình ống và năm cánh hoa màu vàng nghệ. Hoa Anh Thảo nở tức là báo hiệu sự trở về của mùa xuân, khi những cơn gió lạnh và sương giá trắng xóa đã qua đi nhưng những ngày ấm áp tươi sáng của mùa hạ lại chưa đến. Do vậy, loài hoa này là biểu tượng ưu thế của sự duyên dáng và sắc đẹp tuổi trẻ, là đại diện cho lứa tuổi giữa trẻ con và thiếu nữ, tuổi dậy thì. 

Hoa Anh Thảo chỉ nở khi màn đêm buông xuống, nó không bao giờ hé mở các búp hoa của mình cho đến khi trăng lên. Nó hướng về phía mặt trăng chứ chưa bao giờ dám hướng về phía mặt trời. Khi đêm xuống và không gian hoàn toàn yên tĩnh, các cánh hoa phát ra một thứ ánh sáng dìu dịu. Vì thế, hoa Anh Thảo tượng trưng cho một tình yêu thầm lặng, một tình yêu dấu kín. Mặt khác, còn thể hiện hoa Anh Thảo đại diện cho sự nhút nhát, thiếu tự tin, không dám đối diện với sự thật.
Ngoài ra, hoa Anh Thảo còn có rất nhiều công dụng. Củ của hoa Anh Thảo là một loại thuốc mỡ, dùng bôi vào da để tránh bị thẹo rỗ sau khi bị bệnh đậu mùa. Củ Anh Thảo còn được xay thành bột để làm bánh, bồi bổ sức khỏe, tăng khả năng sinh hoạt tình dục hay làm thực phẩm cho gia súc. Hoa Anh Thảo còn có thể dùng ngâm rượu (Cowslip wine). Cháo hoa Anh Thảo được nấu từ bột hoa, mật ong, sữa hạnh đào, nghệ tây, gạo và bột gừng, ăn rất bổ dưỡng. Lá cây Anh Thảo có thể ăn sống hay dùng để nấu trà.
Hoa Anh Thảo có nhiều màu: màu vàng, màu đỏ sậm, đỏ nhạt, đỏ chói, tím, hồng,…
6. Hoa lan hồ điệp

Lan hồ điệp là một trong những loài hoa lan quý phái, lộng lẫy và rất lâu tàn. Loài hoa này cũng là lựa chọn số 1 của các gia đình trong dịp Tết khi lựa chọn cây cảnh trang trí nhà cửa. Nếu được chăm sóc tốt, một chậu lan hồ điệp có thể chơi được từ 3 – 4 tháng, thậm chí 6 tháng mà vẫn còn nhiều hoa.

7. Hoa cúc cánh mối

Cúc cánh mối, hay còn gọi là thạch thảo, cúc thạch thảo, cúc Nhật. Gọi là cánh mối vì hoa mỏng nhẹ như cánh mối. Loài hoa này thuộc chi Cúc sao (Aster) thuộc về họ Cúc (Asteraceae).

Tên tiếng Anh European Michaelmas Daisy, tiếng Pháp Oeil de Christ. Tên gọi thạch thảo trong tiếng Việt có lẽ ảnh hưởng từ cách dịch của Bùi Giáng và Phạm Duy đối với tên hoa bruyère trong bài thơ L’adieu của Guillaume Apollinaire, loài này lẽ ra phải gọi là thạch nam trong tiếng Việt.

Cúc cánh mối có nguồn từ châu Âu, châu Á, thường khoe sắc vào cuối mùa thu, khi mà đa số các loài hoa đã tàn, bởi vậy người đời cho rằng nó tượng trưng cho sự chín chắn.

Màu của cúc cánh mối là sự kết hợp ngọt ngào giữa màu xanh dương và màu tím. Tuy nhiên, loài hoa này còn có màu trắng, tím nhạt, hồng, và tím oải hương.
8. Cây lô hội

Cây lô hội còn có tên gọi khác là cây nha đam. Loài cây này là một loại thảo dược phổ biến, và rất nhiều loại mỹ phẩm hay dược phẩm có thành phần chiết xuất từ chúng.

Lô hội là loại cây mọng nước lá nhọn và dài. Có loại lô hội mọc cao đến xấp xỉ một mét, nhưng có một số giống lô hội nhỏ hơn có thể sinh trưởng tốt trong không gian nhỏ và có ánh sáng mặt trời.
Cây không chỉ giúp làm sạch môi trường, mà còn tạo vẻ đẹp cho không gian sống của ngôi nhà. Lô hội là một trong những cây trồng trong nhà có sức sống dẻo dai, mà ngay cả người mới học cách trồng vẫn chăm sóc được.
9. Cây sen đá

Sen đá là cây thuộc họ thuốc bỏng, mọng nước, đa dạng và phong phú về màu sắc và kiểu dáng. Sen đá được rất nhiều người yêu thích bởi đặc tính dễ trồng và dễ chăm sóc.

Nhiều người cho rằng sen đá là biểu tượng cho sự son sắt, vĩnh cửu trong tình yêu cũng như tình bạn.

Một vài chậu sen đá trên bậu cửa sổ hay ban công, lan can sẽ tô điểm thêm cho ngôi nhà của bạn những sắc xanh trẻ trung và tươi mới.
10. Cây chuỗi ngọc

Cây chuỗi ngọc có nguồn gốc bản địa từ miền nam Mexico và Honduras. Loài cây này rất đặc biệt với cá lá mọng nước, có thể có hình dáng rủ hoặc tròn tùy theo cách uốn nắn khi trồng.

Chuỗi ngọc ưa sáng, nhu cầu nước thấp và có khả năng chịu hạn cao. Do đó, loài cây này rất được yêu thích trồng trong nhà hoặc văn phòng với mục đích làm đẹp.
Limee
Theo Eva