Danh mục lưu trữ: Chôm chôm

Giá Trị Dinh Dưỡng Của Trái Chôm Chôm

Thứ quả này ngoài giá trị dinh dưỡng cao do chứa nhiều vitamin C, giàu đạm, chất béo và các nguyên tố vi lượng như đồng, mangan, kali, canxi, sắt, phospho… còn được dùng để làm thuốc chữa bệnh.

Quả chôm chôm có nhiều lợi íchChôm chôm là một trong những loại quả rất thông dụng trong đời sống. Chôm chôm ngọt, thơm như quả vải, nhưng đôi khi có vị hơi chua và không lóc hạt do phần thịt quả dính vào hạt. Thứ quả này ngoài giá trị dinh dưỡng cao do chứa nhiều vitamin C, giàu đạm, chất béo và các nguyên tố vi lượng như đồng, mangan, kali, canxi, sắt, phospho… còn được dùng để làm thuốc chữa bệnh.

Theo kinh nghiệm dân gian, các bộ phận của quả chôm chôm đều có tác dụng trị bệnh. Quả chôm chôm xanh và vỏ quả có chứa nhiều tanin, được dùng để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, sốt… với liều 20 – 30g. Ví như để hạ sốt: có thể lấy 15g vỏ chôm chôm rửa sạch, sắc uống vài lần trong ngày; để chữa lỵ: dùng 10 trái chôm chôm thái vụn, sắc uống 2 lần trong ngày. Hạt chôm chôm còn gọi là thiều tử, vị ngọt, tính ấm, chứa nhiều chất béo không no như olein, arachidin (36,26%)…, có tác dụng tiêu viêm kháng khuẩn, được dùng để chữa bệnh tiểu đường, viêm niêm mạc miệng, kiết lỵ, các vết loét lâu ngày, điều chỉnh lipid máu, giảm béo và làm đẹp da. Ví như để chữa tiểu đường: có thể dùng 5 hạt chôm chôm rang chín, giã nhuyễn thành bột, chế thêm nước sôi uống 1 – 2 lần trong ngày; để giảm béo: có thể ăn sống hạt chôm chôm hoặc rang rồi trộn với các loại thực phẩm khác. Với công dụng điều chỉnh lipid máu, giảm béo và rất giàu vitamin C nên chôm chôm là thứ quả tuyệt vời cho những người bị vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, tăng đường huyết… Tuy nhiên, vì chứa nhiều chất béo nên nếu ăn quá nhiều hạt chôm chôm có thể xuất hiện cảm giác say say và gây buồn nôn, đầy bụng.

Cách Phòng Trừ Ruồi Đục Trái Chôm Chôm

Ruồi đục trái là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm hàng đầu ở tất cả các vùng trồng cây ăn quả ở nước ta.

Ruồi đục trái chôm chômĐây là một loài đa ký chủ, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, chúng sẽ phát tán lây lan trên diện rộng và không riêng chôm chôm mà nhiều loại trái cây khác sẽ bị thiệt hại năng suất trầm trọng. Tuy nhiên, cần chọn biện pháp phòng trừ hiệu quả nhưng không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, có khả năng bay xa. Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ trái chôm chôm đẻ một chùm từ 5-10 trứng. Vết chích rất nhỏ, nhưng có thể nhận ra nhờ những vết thâm trên vỏ trái, khi ấn nhẹ vào dịch nước sẽ rỉ ra (3 ngày sau khi ruồi đẻ trứng). Dòi nở ra ăn thịt trái, tuổi càng lớn dòi càng đục sâu vào phía trong làm trái bị thối và rụng. Bị hại nặng, trái rụng hàng loạt. Trong một trái có thể có nhiều con dòi. Trái chôm chôm bị dòi gây hại thường bị bệnh thối trái tấn công mạnh do vết chích của ruồi tạo vết thương cho nấm, vi khuẩn xâm nhập. Ruồi đục trái phá hại từ khi trái chôm chôm chuyển màu đến chín. Trái để chín lâu trên cây càng bị hại nhiều hơn. Ruồi phát sinh gây hại quanh năm khi có trái chín.

Biện pháp và cách phòng trừ

– Thu hoạch kịp thời không để trái chín quá lâu trên cây;

– Thường xuyên thu gom những trái bị rụng đem tiêu hủy (chôn sâu dưới đất có rải vôi bột để tiêu diệt trứng và dòi non) nhằm tránh lây lan, đây là biện pháp rất quan trọng để hạn chế sự phát triển và lây lan của ruồi.

– Khi ruồi trưởng thành phát sinh dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugennol (Vizubon-D) để dẫn dụ và diệt ruồi đực hoặc sử dụng chế phẩm  Sofri-Protein 10DD, phun mỗi cây khoảng 20-50ml bả mồi (tùy theo cây lớn hay cây nhỏ), chỉ phun thành đốm nhỏ (khoảng bằng nón lá) dưới tán cây , không nên phun trực tiếp trên trái. Phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7 ngày. Thời gian phun tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng, tránh phun vào những ngày mưa, chế phẩm sẽ không có tác dụng hấp dẫn và diệt ruồi.

– Không nên phun thuốc trừ sâu trực tiếp lên trái để diệt dòi vì thường hiệu quả không cao và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

– Có thể chọn cách phòng trừ bằng cách tự làm bả bẩy ruồi bằng cách dùng miếng khóm hoặc cam quýt chín có tẩm thuốc trừ sâu (có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Fipronil) cho vào gáo dừa và treo trên cành cây.

Lợi Ích Không Ngờ Của Quả Chôm Chôm

Thịt trái chôm chôm chứa nhiều vitamin C nên có tác dụng tăng cường mô, củng cố hệ miễn dịch và làm giảm cholesterol xấu – LDL cholesterol, có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch, chống mệt mỏi, giảm đau, bệnh về nướu.

Thịt chôm chôm chứa rất nhiều chất xơ giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ chất thải, ngăn ngừa viêm ruột thừa, sỏi thận, trĩ và ung thư ruột già. Chôm chôm có thể giúp chữa trị một số loại bệnh sau:

Trị huyết áp cao và tiểu đường

Hàng trăm năm nay, người dân Malaysia và Indonesia thường dùng nguyên liệu từ thân cây, hạt và quả chôm chôm làm thuốc truyền thống để chữa một số căn bệnh như huyết áp cao, tiểu đường… Bởi lẽ, chôm chôm rất giàu protein, carbohydrate, chất béo tốt, vitamin C, sắt, phốt pho, canxi, đồng, mangan, kali, sắt, tanin, pectin, polyphenol và flavonoid.

Lấy năm hạt chôm chôm rang và giã nhuyễn thành bột, chế nước sôi, khuấy đều, để nguội uống. Mỗi ngày dùng 1-2 lần có thể giúp trị bệnh tiểu đường.

Bổ sung năng lượng

Vì quả chôm chôm chứa nhiều nước, carbohydrate và protein với chức năng cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Hơn nữa, chôm chôm cũng làm cho bạn đỡ mệt mỏi và phòng ngừa đầy hơi.

Ngừa ung thư

Hàm lượng vitamin C dồi dào trong quả chôm chôm còn có tác dụng giúp cho cơ thể hấp thụ các khoáng chất sắt và đồng dễ dàng hơn. Thêm vào đó, hoạt chất axít gallic trong quả chôm chôm hoạt động như chất chống ôxy hóa mạnh, giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại cơ thể và phòng ngừa bệnh ung thư.

Kích thích tế bào máu

Quả chôm chôm cũng chứa chất đồng và sắt, rất cần thiết để kích cơ thể sản sinh các tế bào hồng cầu và bạch cầu. Từ đó, giúp cơ thể kiểm soát các cơn chóng mặt và mệt mỏi do thiếu máu. Ngoài ra, chất mangan trong loại trái cây này cũng còn giúp cơ thể sản xuất ra các enzym có lợi cho sức khỏe.

Loại bỏ độc tố trong thận

Các chất thải và độc tố trong thận có thể được loại bỏ dễ dàng nhờ vào lượng phốt pho dồi dào trong quả chôm chôm. Chất phốt pho này cũng rất cần thiết cho việc sửa chữa, bảo trì và kích thích các mô tế bào trong cơ thể phát triển. Không chỉ vậy, hàm lượng canxi rất đáng kể trong quả chôm chôm kết hợp với phốt pho còn giúp củng cố răng và xương thêm chắc khỏe.

Giảm cân

Với hàm lượng chất xơ cao và ít calo, chôm chôm rất thích hợp là món ăn kiêng dành cho các bạn gái muốn giảm cân. Bởi lẽ, ăn chôm chôm sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu, từ đó kiểm soát các cơn đói và hỗ trợ đắc lực cho kế hoạch giảm cân của bạn. Để giảm béo, đẹp da bạn có thể ăn sống hạt chôm chôm hoặc rang rồi trộn với những loại thực phẩm khác.

Tiêu diệt ký sinh trùng

Ăn nhiều chôm chôm cũng là cách làm hay để giúp cơ thể tiêu diệt ký sinh trùng đường ruột, làm giảm các triệu chứng của bệnh tiêu chảy và sốt. Bởi lẽ, các hoạt chất trong quả chôm chôm cũng có tính sát trùng rất cao.

Làm đẹp da

Do chôm chôm chứa nhiều nước, chất chống ôxy hóa nên cũng có tác dụng làm da mềm, mịn và khỏe đẹp hơn.

Làm đẹp tóc

Đối với mái tóc thiếu sức sống, bạn có thể khắc phục chúng bằng cách nghiền lá chôm chôm rồi pha ít nước, thoa hỗn hợp này lên tóc khoảng 15 phút. Các hoạt chất trong lá chôm chôm sẽ giúp mái tóc của bạn khỏe đẹp lên mỗi ngày nếu dùng thường xuyên.

Trị một số bệnh thông thường

Khi bị bệnh nhức đầu, bạn có thể dùng lá chôm chôm xay nhuyễn đắp lên trán. Những dưỡng chất trong lá chôm chôm sẽ giúp xoa dịu thần kinh và làm giảm đau đầu rất hiệu quả. Hơn nữa, thuốc sắc từ vỏ cây chôm chôm có thể thoa trên lưỡi để trị bệnh tưa miệng, còn thuốc sắc từ rễ chôm chôm thì dùng để hạ sốt.

Trị lỵ: Rửa sạch vỏ 10 trái chôm chôm, cắt vụn, thêm vào ba ly nước sạch đun sôi cho đến khi lượng nước còn lại một nửa, để nguội, uống mỗi ngày hai lần.

Chữa sốt: Lấy 15 gam vỏ chôm chôm khô, rửa sạch, thêm vào ba ly nước, đun sôi, để nguội. Uống mỗi ngày ba lần, mỗi lần 1/3 ly.

Phòng Trừ Bệnh Thối Trái Chôm Chôm

Đặc trưng của bệnh là vết bệnh bao phủ một lớp phấn màu xám trắng của các bào tử nấm và lây lan rất nhanh.

Chôm chôm là loại cây ăn trái được trồng khá phổ biến vì đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với mức độ thâm canh ngày càng nhiều, sâu bệnh hại cũng gia tăng nhất là bệnh thối trái phát triển mạnh trong mùa mưa. Bệnh này không những làm giảm năng suất nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến giá trị thương phẩm của trái, do đó việc phòng trừ bệnh cho trái rất có ý nghĩa.
Bệnh thối trái chôm chôm
Triệu chứng bệnh thối nhũn do nấm Phytophthora sp.
Có hai dạng bệnh thối trái:

+ Bệnh thối khô: do nấm Oidium sp

Bệnh gây hại trên cành non, lá non, hoa và trái non. Mùa ra hoa cũng là mùa bệnh thường xuyên xuất hiện. Đặc trưng của bệnh là vết bệnh bao phủ một lớp phấn màu xám trắng của các bào tử nấm và lây lan rất nhanh. Bệnh nặng làm cho các chùm hoa bị cong queo và khô dần. Trên trái non bị bệnh, đầu gai bị đen và lan dần vào trong làm trái bị biến dạng, khô đen và đeo bám trên chùm (nên gọi là bệnh thối khô). Bệnh gây hại nặng trên những chùm trái phơi ra ngoài nắng.

+ Bệnh thối nhũn: do nấm Phytophthora sp.

Vết bệnh đầu tiên là những vùng nâu nhỏ trên trái. Bệnh nặng, vết bệnh lan dần từ vùng cuống trái xuống bên dưới hoặc từ đít trái vào bên trong, thịt trái nhũn, chảy nước, có mùi hôi chua và rụng sớm. Vào buổi sáng có thể thấy những tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh ở vỏ trái. Bệnh thường gây hại nặng cho những chùm trái bên dưới và bên trong tán cây gần mặt đất. Ngoài ra, bệnh còn gây hại giai đoạn sau thu hoạch, trong quá trình tồn trữ và vận chuyển.

Bệnh gây hại nặng trên các vườn trồng quá dày, rậm rạp. Bệnh phát sinh và phát triển mạnh trong mùa mưa, ẩm độ cao và nhất là những loại trái chùm như nhãn, sầu riêng, chôm chôm,…lây lan rất nhanh từ trái này sang trái kia, trong vài ngày có thể rụng cả chùm trái chỉ còn trơ cọng. Sâu đục trái cũng tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển mạnh. Bệnh lây lan bằng bào tử do gió hoặc côn trùng mang đi.

Biện pháp phòng trừ:

– Nên tạo điều kiện cho cây khỏe, sinh trưởng mạnh bằng các biện pháp canh tác như bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm, tỉa cành thông thoáng, vườn cây có hệ thống thoát nước tốt, tránh ngập úng cho cây.

– Dùng nạng chống đỡ những chùm trái bên dưới tán, hạn chế cho chúng tiếp xúc gần mặt đất. Tỉa bỏ các cành khuất trong tán.

– Trồng mật độ vừa phải, tránh trồng xen quá nhiều cây bóng râm sẽ tạo ẩm độ cao trong vườn làm bệnh phát triển mạnh.

– Thu gom và tiêu hủy những trái bệnh để hạn chế lây lan.

– Bón phân hữu cơ hoai mục+chế phẩm sinh học Trichoderma để tạo nguồn vi sinh vật đối kháng.

– Khi bệnh chớm xuất hiện, tùy theo bệnh thối khô hay thối nhũn mà chọn thuốc xử lý. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau:

Bệnh thối khô: Kumulus 80DF, Sulox 80WP, Plant 50WP (20g/8lít nước), Tilt 250EC (3-5 ml/bình 8 lít).

Bệnh thối nhũn: Aliette 80WP, Mataxyl 25WP, Mexyl-MZ 70WP (15-20g/8 lít), phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày. Nếu những vùng có áp lực bệnh cao có thể phun ngừa khi trái còn nhỏ. Chú ý bảo đảm đúng thời gian cách ly để nông sản được an toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Khi tồn trữ và vận chuyển nên loại bỏ hoàn toàn những trái bị bệnh để tránh lây lan.

Một Số Bệnh Trên Cây Chôm Chôm

Nên phòng trừ tốt rệp sáp, tạo vườn cây thông thoáng bằng cắt tỉa sau thu hoạch. Phun thuốc trừ nấm gốc đồng, hạn chế phun phân qua lá cho cây.

Bệnh bồ hóng

Triệu chứng

– Bệnh phát sinh trên lá và trái, bệnh thể hiện những đốm với sợi nấm màu đen như lớp bồ hóng bám ở mặt lá, nấm không gây hại phần phiến lá hay thịt trái, nấm phát triển làm giảm khả năng quang hợp, làm trái xấu đi, giảm giá trị thương phẩm, vết bệnh có thể bị tróc khi nắng làm khô nấm.
– Nấm phát triển trên chất tiết của rệp sáp và sống nhờ chất dịch này.
 
Tác nhân

Do nấm Capnodium sp. gây ra.

Biện pháp phòng trừ

Nên phòng trừ tốt rệp sáp, tạo vườn cây thông thoáng bằng cắt tỉa sau thu hoạch. Phun thuốc trừ nấm gốc đồng, hạn chế phun phân qua lá cho cây.

Bệnh đốm rong

Tác nhân

Do tảo Cephaleuros virescens gây ra.

Triệu chứng

Tảo tấn công mặt trên của lá già, tạo thành những đốm hình tròn, đường kính trung bình 3-5 mm, làm thành một lớp như nhung mịn có màu xanh – vàng nhạt, lâu ngày làm cho mặt dưới đốm bệnh có màu nâu nhạt, và mặt trên có màu nâu đen.
Bệnh làm giảm khả năng quang hợp của cây.

Biện pháp phòng trừ

• Tỉa cành, tạo tán, tạo vườn cây thông thoáng.
• Phun thuốc gốc đồng để trị bệnh.

Bệnh thối trái

Triệu chứng

Bệnh thường xuất hiện trên những trái đã già, sắp chín xuất hiện những đốm nâu đen, sau đó lớn dần và ăn sâu vào trong thịt trái làm thối nhũn có mùi chua. Quả thối có thể vẫn treo trên cây, nếu bị nặng, vết bệnh gần cuống trái dễ bị rụng.

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Phytophthora sp. gây ra.

Điều kiện phát triển bệnh

Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa với điều kiện nóng ẩm, vườn cây rậm rạp, cành dễ tiếp giáp mặt đất, những chùm trái trong tán cây.

Biện pháp phòng trừ

Cắt tỉa, loại bỏ trái nhiễm bệnh trên vườn, tỉa cành tạo sự thông thoáng cho vườn cây.
Khoảng 1 tháng trước khi thu hoạch nên phun phòng bệnh bằng thuốc Alliete hay thuốc gốc Metalaxyl.

Bệnh cháy lá (do nhiều loại nấm)

Triệu chứng

Bệnh xảy ra trên các lá đã trưởng thành, phần đầu chóp lá thường bị cháy khô có màu nâu đến nâu xám, vết bệnh lan nhanh từ chóp lá trở vào. Giữa vùng bệnh và vùng khoẻ trên lá thường có 1 đường viền màu nâu đỏ nổi rõ lên. Ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy những ổ nấm màu đen. Bệnh thường xảy ra trong mùa nắng, bệnh nặng ở những cây có mức sinh trưởng kém, không sử dụng phân chuồng hoai mục.

Biện pháp phòng trừ

Bệnh do nhiều loại nấm tấn công, để phòng ngừa bệnh cho cây cần bón phân cân đối, chú trọng phân kali, hoặc cung cấp thêm phân hữu cơ hoai mục cho cây. Đặc biệt cần giữ ẩm cho cây trong điều kiện mùa khô. Có thể phun các loại thuốc gốc đồng để ngừa bệnh.

Kỹ Thuật Xử Lý Chôm Chôm Ra Nhiều Trái

Đối với người trồng chôm chôm thì cách hãm nước trong quá trình xử lý ra hoa là rất quan trọng, quyết định đến năng suất vụ mùa

Do ảnh hưởng của vài trận mưa trái vụ vừa qua, khiến nhiều vườn chôm chôm tại xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đâm đọt nhưng không trổ bông, tỷ lệ đậu trái thấp. Nhờ biết cách xử lý kỹ thuật, nên vườn chôm chôm của ông Lê Trọng Thạch ở ấp Bảo Định (xã Xuân Định) vẫn xum xuê trái, đến mức ông phải tỉa bớt trái non để đảm bảo chất lượng trái.

Ông Thạch cho biết, đối với người trồng chôm chôm thì cách hãm nước trong quá trình xử lý ra hoa là rất quan trọng, quyết định đến năng suất vụ mùa. Đặc biệt, đối với cây chôm chôm nhãn rất nhạy cảm với độ ẩm. Hễ có độ ẩm cao thì cây sẽ đâm đọt ngay mà không ra hoa. Do vậy, khi thấy lá chôm chôm bắt đầu già thì ông Thạch bắt đầu xử lý ra hoa. Giai đoạn đầu chỉ nên tưới khoảng 1/3 bồn (tương đương với 0,7 m3). Bước qua giai đoạn trổ hoa tưới 2/3 bồn. Khi trái chôm chôm đã đậu thì tưới đầy bồn vì lúc này cây rất cần nước, phân để nuôi trái, cứ 3 – 4 ngày tưới một đợt.

Với phương pháp trên, vườn chôm chôm của ông Thạch đậu trái rất cao từ 50 – 70 quả/chùm, đến mức ông phải thuê người tỉa bớt một nửa số trái non để đảm bảo chất lượng trái. Ông Thạch cho biết thêm, với lượng trái đậu như vậy, năng suất ước đạt trên 10 tấn/hécta, cao hơn năm rồi từ 3 – 4

Xử Lý Chôm Chôm Ra Hoa Nghịch Vụ

Tránh nước đọng làm ngập rễ, vì rễ được hút quá nhiều nước, lúc đó cây chỉ ra đọt, không thể trổ hoa.

Nhiều năm trở lại đây, tình hình thu hoạch chôm chôm mùa thuận thường xuyên hay bị điệp khúc “được mùa, rớt giá” vì trùng dịp vào mùa với chôm chôm vùng Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) và trái vải Bắc Giang, cho nên một số nhà vườn xã Tân Phong đã mạnh dạn chuyển đổi cách làm để tăng thu nhập kinh tế cho gia đình, đó là mô hình xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ.

Hiện nay, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho nhà vườn xã Tân Phong thực hiện mô hình này. Hàng năm, vào khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch, sau khi quan sát khắp khu vườn thấy khoảng 90% số cây đã ra đọt từ 2-3 lần, khi lá ngã sang màu lụa là bắt đầu dùng ni lon làm màng phủ. Trước khi phủ, phải vét mương vườn cho sâu hơn bình thường , để tránh nước ứ lại ngập rễ là không tốt, phải đảm bảo mương khô cách mặt liếp từ 1 – 1,2m. Sau đó, sử dụng nilon làm màng phủ xung quanh gốc (tùy theo liếp đất lớn nhỏ, lựa nilon loại có kích cỡ phù hợp), khi làm kéo nilon tạo thành hình quả núi, tức ôm theo gốc sao cho độ cao cách mặt đất khoảng 1m, còn hai bên hạ thấp để khi có mưa nước dễ chảy xuống mương. Giữa những tấm nilon liền mí, cần nối với nhau bằng cách dùng kim khâu lại không nên để hở, còn khi nối giữa hai liếp với nhau, dùng dây nilon cột chặt vào màng phủ, chia nhiều đoạn cho đều để tạo độ phẳng phiu (không bị đùn), nước mưa dễ chảy. Lưu ý, khi có mưa to, mương đầy nước, phải dùng máy bơm ra kịp thời tránh nước đọng làm ngập rễ, nếu không làm được bước này thì xem như công dã tràng… vì rễ được hút quá nhiều nước, lúc đó cây chỉ ra đọt, không thể trổ hoa.

Theo một số nhà vườn đã từng thực hiện mô hình này cho biết, từ ngày phủ nilon cho đến lúc ra hoa khoảng 50 – 60 ngày, tùy theo thời tiết. Khi thấy chôm chôm ra hoa tương đối nhiều và đạt từ 70 – 80% thì dỡ nilon (số nilon này cần xếp lại cho kỹ có thể dùng được 3 mùa). Lúc đó cho nước vào mương, tưới xung quanh gốc tạo độ ẩm khi cây đã ra hoa, vì thiếu nước sẽ làm cho hoa rụng, đậu trái ít. Từ lúc ra hoa đến đậu trái khoảng 20-25 ngày và từ khi đậu trái cho đến thu hoạch khoảng 100 ngày, vụ nghịch thường vào tháng 11,12 âm lịch tất cả có như ý muốn hay không còn tùy thuộc vào cách chăm sóc của mỗi người. Kinh nghiệm dân gian ở đây là khi bà con nuôi đọt thì sử dụng phân lân và kali, nuôi hoa sử dụng kali và đạm ,còn nuôi trái sử dụng đạm, lân, tăng kali và cho thêm phân bón lá cao cấp để tạo trái to và màu rất đẹp.

Mặc dù, mô hình xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ cho sản lượng thấp, tối đa chỉ đạt được khoảng 80% so với mùa thuận, nhưng về giá cả thì cao gấp 3-4 lần. Do đó ,đã có một số nhà vườn đạt hiệu quả kinh tế rất cao và cách làm này được bà con học hỏi, trao đổi lẫn nhau rộng khắp địa bàn. Chính vì thế ,năm 2009 có gần 50% diện tích chôm chôm được áp dụng theo mô hình xử lý ra hoa nghịch vụ, so với cùng kỳ tăng 30%, đây là niềm vui chung cho các nhà vườn.

Tuy nhiên, không phải nhà vườn nào thực hiện mô hình xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ cũng đạt kết quả tốt, đây là nỗi lo chung của các nhà vườn, vì nó còn tùy thuộc vào thời tiết, cách theo dõi, cách chăm sóc. Bởi, trước đây nhà vườn chỉ làm theo kinh nghiệm dân gian, truyền miệng lẫn nhau, hoàn toàn không có một kiến thức nào trong sách vở. Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng chôm chôm ở Tân Phong rất cần sự quan tâm các ngành chức năng tổ chức các cuộc hội thảo để trang bị kiến thức về cây chôm chôm, đây cũng là yếu tố giúp nhà vườn Tân Phong trên lộ trình thực hiện VietGAP và GlobalGAP hướng đi mới cho vùng đất cù lao

Kỹ Thuật Trồng Chôm Chôm

Sau mỗi mùa thu hoạch tỉa bỏ các cành đã mang trái bằng cách bấm sâu vào các cành này vì chúng đã kiệt nhựa để cành mới sinh ra

Chôm chôm (rambutan) là cây ra hoa nhiều, song tỉ lệ hoa thụ rất thấp, tỉ lệ quả chị từ 1 đến 3%. Sự thúi (hư) quả xảy ra nặng trong 3 tuần đầu khi thụ tinh và nhẹ hơn trước khi quả chín. Có lẽ nguyên nhân chính là thiếu dinh dưỡng (thiếu phân).

Bầu noãn của hoa chôm chôm có hai tâm bì (lá noãn), nhưng thông thường chỉ có một tâm bì phát triển thành quả (hiếm khi cả hai phát triển thành quả). Thời gian phát triển mất từ 13 tới 16 tuần lễ. Tỉ lệ phần thịt quả tăng nhanh từ tuần lễ thứ 9 cho tới tuần lễ thứ 13 và chậm hẳn từ tuần lễ thứ 13 tới tuần lễ thứ 16 (lúc thu hoạch).

Tại Thái Lan người ta cho rằng các yếu tố tiền thu hoạch sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chôm chôm hậu thu hoạch. Đó là: Yếu tố khí hậu, biện pháp canh tác và phun hóa chất.

YẾU TỐ KHÍ HẬU

– Ánh sáng có ảnh hưởng tới sự chuyển biến màu của vỏ quả, tức là sự chuyển biến của sắc tố anthocyanins. Quả ở ngoài sáng đỏ tươi, đẹp hơn quả trong bóng rợp.

– Lượng mưa và độ ẩm rất quan trọng nhất là trong thời gian quả phát triển cần nhiều nước. Những quả nhỏ khi chín thường là kết quả của sự thiếu nước trong những tuần lễ đầu của quá trình phát triển quả. Như vậy nếu làm quả ra sớm, nghĩa là phần đầu của quá trình phát triển nằm trong mùa nắng thì vườn cần được tưới nước. Ngược lại mưa thất thường vào đầu mùa mưa làm cho quả dễ bị nứt vì lúc này ruột quả phát triển quá mạnh so với phần vỏ. Theo ghi nhận của nhiều nhà làm vườn tại Thái Lan có những năm tỉ lệ nứt quả trên giống chôm chôm nổi tiếng vỏ mỏng (rongrien) lên đến trên 50%. Mỗi quả chôm chôm có độ 400 cái râu (lông), trên mỗi râu có nhiều khẩu bào làm thoát hơi nước mạnh, vì thế hễ ẩm độ không khí thấp sẽ làm các râu queo lại, chuyển qua màu nâu đen, kém chất lượng.

CÁC BIỆN PHÁP CANH TÁC

Hai biện pháp quan trọng là bón phân và tưới nước:

– Bón phân: cần bón đầy đủ và cân đối, lượng phân và tỉ lệ các loại phân thay đổi theo tính chất của đất, độ lớn của cây và sản lượng cây. Khảo cứu của các tác giả Thái Lan cho biết trong thời kỳ cây tăng trưởng (kiến thiết cơ bản) cần bón N-P-K theo công thức 16-16-16. Trong thời kỳ thu hoạch theo tỉ lệ N-P-K là 12-12-17 và trong khi nuôi quả là 13-13-21. Cần bón từ 2 đến 3 lần mỗi năm, lượng phân tăng mỗi năm 0,5 kg. So với cách bón phân tại nước ta thì bà con ta chú trọng nhiều vào phân đạm hơn các loại phân khác.

– Sự tưới nước thất thường sẽ dẫn đến các hiện tượng sau:

+ Quả không đồng đều, lúc thiếu nước quả nhỏ hơn bình thường.

+ Quả có thể bị nứt, nhất là giai đoạn đầu của quá trình phát triển quả đã phát triển xong phần vỏ ở thời kỳ thiếu nước tiếp theo là giai đoạn phát triển ruột quả ở thời kỳ thiếu nước khiến phàn ruột phình ra, vỏ bị tức nên nứt toạc ra, hiện tượng này cũng gặp nhiều loại trái như chuối, cam, mít… Hiện nay ở một số nước, biện pháp tưới nước nhỏ giọt được coi là lý tưởng vì giữ độ ẩm điều hoà hơn, đỡ tốn nước (trường hợp Long Khánh), kiểm soát phân tốt hơn…

PHUN HOÁ CHẤT

-Thuốc trừ sâu bệnh:
 quả chôm chôm hay bị sâu đục quả, ruồi đục quả, và giống như nhiều vùng trồng chôm chôm khác trên thế giới là bị bệnh phấn trắng nghiêm trọng, tại Long Khánh bà con gọi là bệnh “râu kẽm”. Chùm quả bị nhiễm bệnh sẽ bị rụng hoặc còi cọc như vậy cần sử dụng thuốc trừ nấm để phun lên quả ngay ở giai đoạn còn non.

– Chống hiện tượng quả bi: 
Các chất điều hòa tăng trưởng được dùng khá phổ biến ở Thái Lan trên cây chôm chôm (ở nước ta vùng trồng sơ ri ở Gò Công Đông đã dùng nhiều). Có hai loại bông được sinh ra trên các cây khác nhau: Bông đực và bông lưỡng tính.Vì bông đực không thể cho quả nên các người trồng tỉa có khuynh hướng loại bỏ cây đực qua công việc chọn giống, ghép cây… Điều này dẫn đến không đủ nguồn hạt phấn để thụ cho các hoa lưỡng tính. Trong một số trường hợp hiện tượng quả điếc, hay còn gọi là “quả bi” xuất hiện những quả này có rất ít thịt. Để khắc phục hiện tượng này tại một số vùng trồng tại Thái Lan người ta phun chất NAA (naphthalene acetic acid). Nồng độ biến động từ 40-160 mg/lít (40-160 ppm) phun ở giai đoạn nụ trước khi bông nở. Khi quả đã thụ rồi để tăng kích thước quả cho chôm chôm rongrien, người ta lại phun NAA ở nồng độ 125 ppm (125 mg/l), nếu dùng đặc hơn quả sẽ bị nhỏ lại.

XỬ LÝ RA HOA

Chôm chôm cũng phải tỉa cành như nhãn: sau mỗi mùa thu hoạch tỉa bỏ các cành đã mang trái bằng cách bấm sâu vào các cành này vì chúng đã kiệt nhựa để cành mới sinh ra. Tất cả các cành bệnh, cành vượt, cành khuất trong tán nên tỉa bỏ. Sau đó bón phân căn bản để cây mau tích lũy lại các chất dự trữ trong thân càng sớm, như vậy khi xử lý ra hoa mới có hiệu quả. Một số biện pháp xử lý ra hoa thông thường đã được một số nơi áp dụng như sau: xiết nước vào đầu mùa khô từ 3-6 tuần tùy độ lớn, sức sinh trưởng của cây và đặc điểm của đất, sau đó bón phân nhử (bón ít) và tưới nhử (tưới ít) vài ngày trước khi bón đậm, tưới đậm và đều trở lại, cây sẽ ra hoa sớm hơn bình thường. Một số nhà vườn còn làm thêm việc khoanh vỏ. Sự khoanh vỏ nên làm thận trọng vì khi mạch bị chận lại, hệ thống rễ sẽ thiếu dinh dưỡng, nếu lạm dụng thái quá cây có thể chết.

BÓN PHÂN CHO CHÔM CHÔM

Chôm chôm có nhu cầu cao đối với N và K. Khi thiếu K cây bị bệnh khô cháy đầu lá.

Bón phân cho chôm chôm như sau:

-Năm thứ nhất: Lượng bón cho một gốc: 50g N+ 250g K2O( 100g urê+40g KCl). Chia làm 2 lần bón vào tháng thứ 1 và tháng thứ 6 sau khi trồng.

-Năm thứ 2: lượng bón cho một gốc: 100g N+50g K2O (200g urê+80g KCl). Chia làm 2 lần để bón vào đầu và cuối mùa mưa.

– Năm thứ 3: cây bắt đầu cho quả. Lượng bón cho một cây là: 500g phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2. Chia ra bón 2 lần vào trước ra hoa và sau khi thu hoạch.

– Năm thứ 4: Lượng phân tăng so với lần trước 0,5-1,0 kg/cây. Giữ nguyên tỷ lệ NPK là 2:1:2. Chia thành 4 lần để bón:

+ Lần 1: sau khi thu hoạch quả. Tiến hành tỉa cành. Bón toàn bộ lân+1/3N và 1/3 K2O.

+ Lần 2: trước khi nở hoa: bón 1/3N.

+ Lần 3: khi quả có đường kính 1-2cm. Bón 1/3 N và 1/3 K2O.

+ Lần 4: trước khi thu hoạch 1 tháng: Bón 1/3 kali.

– Những năm sau để đảm bảo cây cho quả ổn định, lượng phân bón được tăng dần lên:2-3kg NPK cho một cây trong 1 năm và 10-30kg phân chuồng.

Với năng suất 7,3 tấn/ha quả, chôm chôm lấy đi từ đất : 1,5kg N, 2kg P2O5 ; 11,7kg K2O; 5,9kg Ca; 2,7kg Mg trên 1ha. Vì vậy, cần thiết bón phân hàng năm cho chôm chôm để đảm bảo giữ năng suất quả ổn định trong nhiều năm.

Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Chôm Chôm

Sau khi trồng chôm chôm là phải tưới nước ngay. Nếu trồng trong mùa khô phải tưới nước thường xuyên cho chôm chôm ít nhất 1 tháng đầu.

1. Khoảng cách trồng chôm chôm DONA-CC1:

Khoảng cách trồng là 10 m x 10 m hoặc 12 m x 12 m.

2. Chuẩn bị hố trồng:

Hố trồng có kích cỡ vuông 80 cm x 80 cm, sâu 75 cm. Khi đào hố nên để riêng đất trên mặt (lớp đất phía trên đến 30 cm) ra một bên và đất ở lớp phía dưới ra một bên.

Lượng phân cho mỗi hố: 10 kg phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai, 200-300 g Super Lân, trộn đều với đất mặt xung quanh.

Trên các vườn cũ đã có trồng cây dùng 50 g Basudin 10H và 0,3-0,6 kg vôi trộn đều với hỗn hợp đất mặt + phân lấp đầy hố.

Sau đó tưới đẫm nước (hoặc có ít nhất 2 đến 3 cơn mưa) cho hỗn hợp đất + phân phân huỷ nhanh.

ở những nơi thoát nước tốt như đất đỏ Basalt, đất thịt pha cát chỉ cần lấp đầy hố để sau khi tưới nước đất lún xuống mặt hố sẽ hơi thấp hơn mặt đất bình thường khoảng 10-15 cm. Đối với vùng đất thoát nước kém thì phải lấp đất cao hơn mặt hố từ 10-15 cm, sau khi tưới nước đất lún xuống bằng mặt đất tự nhiên là vừa.

Riêng đối với đất phù sa Đồng bằng sông Cửu Long tuỳ theo độ cao của thuỷ cấp mà đắp ụ hoặc liên tiếp tối thiểu cao hơn mặt nước 80 cm-100 cm và hố trồng căn cứ vào mặt liếp mà vận dụng.

Hố trồng phải chuẩn bị xong trước khi trồng cây từ 20-30 ngày.

3. Trồng cây:

Dùng cuốc đào một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn chiều cao túi đựng cây giống khoảng 2-3 cm. Sau đó dùng các loại thuốc diệt nấm như: Dithane M-45, Mancozeb, Ridomil… phun xịt thật kỹ vào hố trồng cây, liều lượng theo chỉ dẫn trên bao thuốc.

Để túi cây trên mặt đất, dùng dao sắc rạch một đường xung quanh túi nilon, cách đáy 2-3 cm, bóc lấy đáy túi ra. Xem xét bộ rễ, cắt bỏ tất cả các phần rễ cái, rễ con ăn ra khỏi bầu đất, sau đó mới đem cây đặt vào hố trồng.

Dùng dao rạch một đường thẳng đứng từ trên xuống dưới và bóc túi nilon ra. Sau đó dùng tay vun đất và ấn nhẹ xung quanh gốc, không được dùng chân đạp đất. Sau đó phải làm bồn cho cây, đường kính bồn từ 1-1,2 m, sao cho gốc chôm chôm cao hơn đất mặt bồn để tránh gốc bị ngâm nước (hình mu rùa). Nếu cây giống đã lớn có một thân chính thì dùng kéo sắc cắt bỏ phần ngọn đi, chỉ chừa lại chiều cao tính từ mặt đất lên khoảng 60 cm hoặc 70 cm.

Sau khi trồng xong, dùng 30 cc Bayfolan hoặc HVP-801 cho 1 bình 8 lít (liều lượng theo chỉ dẫn trên chai thuốc), phun xịt thật đậm trên toàn bộ thân và lá cây. Mục đích giúp cây có đủ dưỡng chất và vi lượng cần thiết khi bộ dễ chưa bén đất.

Trồng xong nhất thiết phải lấy cọc cắm, buộc cành vào cọc tránh gió lay gốc. Sau đó bắt buộc phải dùng tàu dừa che năng từ hướng Đông và hướng Tây, nếu có gió mạnh thì che thêm ở hướng gió thổi đến. Nên dùng tàu dừa để việc lưu thông không khí được dễ dàng (thời gian che khoảng 60 ngày). Trồng xong phải tưới nước ngay cho cây, mỗi cây 25-20 lít.

Tuỳ vào điệu kiện thâm canh có thể trồng xen canh cây chôm chôm và các loại cây khác như cà phê hoặc các loại cây hoa màu trong những năm đầu. Tuy nhiên cần phải chú ý để cho cây chôm chôm được thông thoáng và hấp thụ được từ 60-70% ánh sáng tự nhiên. Không được để lá cây, cỏ rác… xung quanh gốc, bởi vì đó là những nguồn phát sinh nấm bệnh rất dễ lây lan qua cây chôm chôm.

4. Chăm sóc cây chôm chôm trong năm đầu tiên:

4.1. Tưới nước:

Sau khi trồng chôm chôm là phải tưới nước ngay. Nếu trồng trong mùa khô phải tưới nước thường xuyên cho chôm chôm ít nhất 1 tháng đầu. Trồng vào mùa mưa nếu đất xung quanh gốc bị ẩm đọng nước (đóng vàng) cây con cũng bị chết vì bộ rễ thiếu dưỡng khí và thối dễ.

4.2. Bón phân cho chôm chôm:

Trong năm đầu sau khi trồng cứ 1 tháng bón phân 1 lần hoặc có thể theo các đợt lá vừa già thì bắt đầu bón cho mỗi gốc 50-100 g NPK 15:15:15. Dùng que rạch một vòng tròn xung quanh gốc, cách gốc khoảng 20-30 cm, rải phân vào và phủ một lớp đất mỏng lên trên.

Cùng với việc bón phân ở gốc, trong những tháng đầu tiên do bộ rễ của cây phát triển chưa đầy đủ, cần thiết phải dùng các loại phân bón qua lá như: Bayfolan, HVP-801 để phun xịt nhằm bổ sung dưỡng chất và nguồn vi lượng cần thiết cho cây. Định kỳ từ 10-15 ngày phun xịt một lần.

4.3. Phòng trừ sâu bệnh:

Trong năm đầu cần chăm sóc cẩn thận chú ý tới sâu bệnh có khả năng phá hoại lá, thân cây gây thiệt hại như các loài bọ cánh cứng, rầy đỏ, rệp… Nếu phát hiện phải phun thuốc diệt trừ ngay như: Azodrin, Bassa, Bi 58, Hostathion pha 10-15 cc/10 lít nước. Trong năm đầu, cây con thường bị những bệnh phổ biến là:

* Bệnh cháy lá và vàng lá:

Đây là bệnh có liên quan đến hàm lượng Kali thấp ở lá và thiếu nước. Cần cung cấp thêm kali cho cây và tưới nước đầy đủ. Các lá bị vàng có hàm lượng sắt (Fe) thấp (khoảng 22 ppm trong mô) do đó có thể phun sulfate sắt nồng độ 500 ppm để trị.

* Bệnh thối rễ: Do nấm Fomes lignosus và Ganoderma Pseudoferreum. Cây chết dần khi bị thối rễ. Dùng các loại thuốc gốc đồng để phòng trị.

4.4. Cắt tỉa cành:

Trong năm đầu, việc cắt tỉa cành nhằm mục đích là tạo cho cây có hình dáng khoẻ mạnh, đầy đặn, cành lá toả đều quanh cây. Việc cắt tỉa cành được tiến hành như sau: Nếu cây đã có một cành chính thì cắt bỏ phần ngọn đi, chỉ chừa lại chiều cao từ mặt đất lên khoảng 60 cm đến 70 cm.

Sau khi bị cắt ngọn sẽ có những cành mọc ra từ gốc và thân cây, nên chọn để lại những cành khoẻ mập mọc cách xa nhau vừa phải khoảng cách từ 4-5 cành mọc đều quanh thân, cành thấp nhất phải cao hơn mặt đất ít nhất là 80 cm. Khi các cành này mọc dài ra thì cắt ngọn chỉ chừa lại chiều dài khoảng 30-40 cm tính từ chỗ chạc lên.

Việc cắt tỉa này được tiến hành đều đặn trong suốt 18 tháng đầu. Sau đó không cắt tỉa nữa mà để cây mọc tự nhiên và chỉ cắt tỉa những cành vô ích như: cành cong queo, cành mọc chồng chéo nhau, cành sâu bệnh…

Bệnh Phấn Trắng Chôm Chôm

Nấm chủ yếu gây hại trên hoa, trái non và lá non trên các vườn chôm chôm. Trên bề mặt lá bị bao phủ một lớp nấm màu trắng xám

Bệnh phấn trắng (do nấm Oidium sp.)
Bệnh phấn trắn do nấm gây hại trên cây chôm chôm

Triệu chứng: Nấm chủ yếu gây hại trên hoa, trái non và lá non trên các vườn chôm chôm.
Trên lá non: Trên bề mặt lá bị bao phủ một lớp nấm màu trắng xám, nấm phát triển trên cả hai mặt lá, làm cho lá bị xoăn, còi cọc và cuối cùng là chết khô.

Trên hoa: tương tự như trên lá, cả hoa phát hoa bị bao phủ bởi một lớp nấm màu trắng xám, làm cho hoa bị khô, đen và rụng đi.

Trên trái non:
 Trái non cũng bị một lớp phấn màu trắng xám bao phủ, trái bị khô đen và rụng đi. Nấm cũng tấn công ở giai đoạn trái hơi lớn, làm cho trái khô có thể rụng đi hoặc treo trên cây. Nếu nấm tấn công vào giai đoạn trái lớn sẽ làm cho râu trái bị khô, đổi màu đen, gây hiện tượng râu kẽm trên trái chôm chôm, trái bị nhiễm sẽ kém phát triển, cơm mỏng.

Theo Goerge (2000) nấm gây hại trên nhiều loại cây trồng như xoài, chôm chôm, nhãn, đu đủ và trên một số cây trồng khác như đậu, các loại ngũ cốc, một số loại cải trong họ thập tự, một số cây trong họ cà và cả hoa hồng.

Điều kiện phát sinh phát triển:

Theo Johnson, Mayers và Cooke (1993) nấm phát triển mạnh trong điều kiện có ẩm độ cao, nhiệt độ thấp. Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển là: 20 – 250C (Jun Imada, 1995). Cũng theo Goerge (2000) nấm phát tán chủ yếu nhờ gió và nẩy mầm trong điều kiện có giọt sương.

Khả năng gây hại:
 Trong điều kiện thuận lợi nấm có khả năng gây hại đến 90%.

Qui trình phòng trừ bệnh phấn trắng


Biện pháp cơ học:

Sau khi thu hoạch trái thì tiến hành cắt tỉa những cành già cỏi, cành mang mầm bệnh, phát hoa, trái khô đen bị nhiễm bệnh còn sót lại của vụ trước, tỉa cành giúp vườn cây thông thoáng.

Bón phân tưới nấm đối kháng Trichoderma:

Xới nhẹ gốc, tiến hành bón phân hữu cơ hoai mục càng nhiều càng tốt, tưới hoặc rải nấm đối kháng Trichoderma giúp nhanh hoai mục xác bã thực vật, diệt nấm gây hại trong đất, bón phân N-P-K liều lượng theo khuyến cáo của quy trình kỹ thuật canh tác, tuỳ theo tuổi cây. Mục đích nhằm tạo cho cây có bộ lá xanh tốt. Sau đó bón phân lần 2 với liều lượng ít hơn, mục đích cho lá mau thành thục và trổ hoa sớm.

Biện pháp hóa học:
Vụ thuận: Phun ngừa khi những phát hoa bắt đầu nở, vì vào vụ thuận thời tiết không thuận lợi cho sự bộc phát của nấm gây bệnh phấn trắng như nhiệt độ cao, ẩm độ thấp. Ta có thể phun ngừa bằng Kumulus nồng độ 40g/ 10 lít nước, Anvil nồng độ 20 ml/ 8l nước. Khi bệnh phát triển mạnh thì nên dùng Kumulus, Anvil, thuốc gốc Defenoconazole, Propiconazole, nồng độ theo khuyến cáo.

Vụ nghịch:
Thời gian phun ngừa nên sớm hơn, khi những phát hoa bắt đầu bung chà, vì vào thời điểm này thường mưa nhiều, ẩm độ cao, thuận lợi cho bệnh phát triển. Khi bệnh phát triển mạnh thì nên phun trị bằng Kumulus, Anvil, Propiconazole, Defenoconazole, nồng độ theo khuyến cáo.

Phân bố các lần phun:

Tiến hành phun lần 1 khi phát hoa vừa bung chà, phun lần 2 cách lần 1 là 7 ngày, lần 3 khi trái đã kết thúc giai đoạn rụng sinh lý. Lần 1 và lần 2 phun nên phun thuốc gốc lưu huỳnh, lần 3 phun Anvil. Hoặc phun lần 1 với Defenoconazole hay Propiconazole, lần 2 với thuốc gốc lưu huỳnh và lần 3 khi trái đã kết thúc giai đoạn rụng sinh lý bằng thuốc Anvil.