Danh mục lưu trữ: chậu cây cảnh

Cách trồng và chăm sóc cây xương rồng kiểng

Là loại thực vật chịu khô hạn và ít sâu bệnh, tuy nhiên để duy trì cho cây sống khoẻ, phát triển mạnh và có thể cho hoa đẹp thì cần phải chú ý việc chăm sóc cây.

Cây Xương rồng và cây mọng nước nói chung là những cây tương đối dễ trồng và dễ chăm sóc hơn các loại cây kiểng khác vì bản thân chúng là những loại thực vật dễ thích nghi, chịu khô hạn, không đòi hỏi nhiều dưỡng chất trong đất và ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên, để duy trì cho cây sống khoẻ, phát triển mạnh và có thể cho hoa đẹp thì cần phải chú ý việc chăm sóc cây.
Nước

Cây xương rồng và cây mọng nước không cần nhiều nước. Điều quan trọng nhất là không để chúng bị ngập hoặc úng nước. Đất trồng cây xương rồng phải là loại đất xốp (đất cát pha thịt), nền đất cần thoát nước dễ dàng. Trường hợp trồng cây trong chậu, dưới đáy phải có lớp sạn sỏi và có lỗ thoát nước đủ rộng để nước trong chậu không bị ứ đọng. Bị úng nước lâu, cây dễ bị thối rữa từ rễ dần lên thân cây. Mùa mưa, nhất là vùng tập trung mưa như ở Đồng bằng sông Cửu Long (từ tháng 5 đến tháng 10), cần lưu ý che chắn và làm rãnh thoát nước cho cây xương rồng.

Nếu có điều kiện, nên để xương rồng trong nhà kiếng hoặc che chắn bằng mái nylon để dễ kiểm soát lượng nước tưới. Tưới xương rồng mới ươm hạt hoặc mới tháp vào chiều mát thì tốt hơn là tưới vào buổi sáng hoặc lúc trời nắng. Ít tưới nước hoặc để cây xương rồng khô hạn kéo dài sẽ làm cây teo tóp, không phát triển, sức đề kháng của cây trở nên kém làm cây dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Mùa nắng, từ tháng 11 đến cuối tháng 4, cách khoảng 2-3 ngày nên tưới cây một lần, có thể tưới phun hoặc tưới ngập vừa đủ ướt trên mặt đất. Cây trong chậu cần tưới thường xuyên hơn cây trồng trực tiếp trong nền đất. Chậu càng nhỏ thì cần tưới nhiều hơn chậu lớn. Hễ thấy mặt đất bắt đầu khô thì có thể tưới. Cây trồng trực tiếp dưới đất ngoài vườn thì tưới 1 lần/tuần vào mùa đông và chừng 2 lần/tuần vào mùa hè (đối với những nơi có đủ 4 mùa trong năm). Các mùa khác thì tùy biến đổi của thời tiết thì có thể tưới 1-2 lần/tuần.

Ánh sáng và không khí

Cây xương rồng và cây mọng nước là những cây ưa ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng trực tiếp vào buổi sáng. Nói chung, cây Xương rồng cần nhận ít nhất chừng 50% lượng ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào mỗi ngày (khoảng 6 giờ/ngày). Đối với cây Xương rồng con, hạt mới nảy mầm hoặc mới ươm ra hoặc được tháp ghép thì tránh ánh sáng trực tiếp, mỗi ngày chỉ cần phơi ra nắng buổi sáng khoảng 1-2 giờ là đủ.

Những cây xương rồng để trong nhà lâu ngày, khi đem ra phơi nắng trực tiếp trên 6 giờ đồg hồ có thể bị hiện tượng “cháy da cây”, thân bị nám vàng nâu hoặc đen. Cây xuơng rồng trong trong chậu để bên cửa sổ hoặc bàn làm việc thì khoảng 2-3 ngày thì nên đưa ra nắng một lần.

Cây xương rồng và cây mọng nước ưa sự thông thoáng. Vì vậy, cây phát triển tốt trong điều kiện thoáng đãng của hoang mạc, đồng cỏ, sân thượng, bao lơn nhà. Cây trồng trong nhà kiếng, đôi lúc cũng cần có mở cửa đề đón gió hoặc phải dùng quạt để thổi gió. Có nơi người ta gắn ống thông khí trên các mái nhà kiếng.

Nhiệt độ

Trong tự nhiên hoang dã, cây xương rồng và cây mọng nước có thể tồn tại, chịu đựng trong khoảng nhiệt độ lớn, chừng 10°C – 50°C. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp để cây phát triển vào khoảng 15°C – 28°C. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm cho cây ngừng phát triển và suy yếu.

Dinh dưỡng

Mặc dầu, cây xương rồng và cây mọng nước có nguồn gốc từ những vùng khô cằn, nghèo dinh dưỡng nhưng để có một cây xương rồng hoặc cây mọng nước khoẻ đẹp và phát triển tốt, cây cũng cần cung cấp dinh dưỡng cho đất.

Trong mùa phát triển, cây xương rồng và cây mọng nước đều cần chất đạm (N) để giúp sự tăng trưởng thân, chất potassium (P) cho sự phát triển của hoa và trái và chất phosphorus (P) cho sự phát triển bộ rễ. Ngoài ra, cây cũng cần một số chất vi lượng khác. Công thức NPK tổng quát cho cây xương rồng là 15 – 15 – 30.

Trong thực tế, ta nên bón phân theo thời kỳ sinh trưởng của cây như sau: Thời kỳ sinh trưởng Công thức phân bón N – P2O5 – K2O Thời kỳ cây con 16 – 16 – 8 hoặc 20 – 20 – 0 Thời kỳ tăng trưởng 18 – 19 – 30 hoặc 20 – 30 – 20 Kích thích ra hoa 10 – 60 – 10 Thời kỳ ra hoa 6 – 30 – 30 Hiện nay, trên thị trường có nhiều bình phân bón pha sẵn cho người trồng xương rồng, trong đó có công thức và hướng dẫn cách pha tưới. Liều lượng pha tưới thường vào khoảng 1 – 1.5 g/lít nước.

Cây cảnh – Bonsai
(Sưu tầm)

Cách chọn chậu cảnh phù hợp với thế cây cảnh, bonsai

Ngoài việc biết cách chăm sóc, tạo dáng phải chọn cho cây cảnh, bonsai một chiếc chậu phù hợp với thế, dáng cây và không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.

Dưới đây là vài ý nhằm tạo ra sự hài hoà giữ chậu và cây cảnh:
– Thế Bonsai thẳng đứng, chọn chậu hình chữ nhật hay bầu dục, với bề sâu sắp xỉ bằng đường kính thân cây và bề rộng tương ứng với bóng tán lá rũ xuống.
– Thế Bonsai hơi nghiêng, chọn chậu tròn, vuông, bầu dục hay hình chữ nhật có bề sâu gần bằng đường kính thân cây.
– Thế Bonsai nghiêng, chọn chậu có cạnh thẳng đứng và hơi sâu, nếu có rễ nổi lên mặt đất, chọn chậu hơi rộng một chút để có thế cân bằng và ổn định.
– Thế Bonsai nửa thác đổ, chọn chậu vuông, lục giác, hay tròn có miệng hẹp nhưng sâu.
– Thế Bonsai thác đổ, chọn chậu hẹp và sâu.
– Thế Bonsai gió đùa, chọn chậu tròn hay vuông khá sâu, thường gấp 3-4 lần đường kính thân, và đường kính chậu lại hẹp để cân bằng thẩm mỹ và kiểu dáng.
– Thế Bonsai văn nhân, chọn chậu tròn vuông, lục giác, loe miệng nhỏ hơi sâu, thường lớn hơn đường kính thân cây một chút, như vậy nó phù hợp với dáng cao, mảnh mai của cây.
– Thế Bonsai dáng chổi, chọn chậu nông, rộng, đứng.
– Thế Bonsai hai thân, chọn chậu hình bầu dục, nông
– Thế Bonsai nhiều thân chọn chậu nông, rộng.
– Thế Bonsai lùm bụi, rừng cây, chọn chậu rộng và rất nông hình tròn hay bầu dục.
– Thế Bonsai bè gỗ, chọn chậu rộng và đất nông (như khay).
– Thế Bonsai đá bám, nếu bộ rễ vừa bám đá vừa bám đất thì chọn chậu hơi sâu, nếu bộ rễ chỉ bám đá thì chọn chậu rất nông (như khay) để tảng đá đó lên lớp cát mỏng hay sỏi nhỏ.
Ngoài hình dáng màu sắc của chậu cũng ảnh hưởng lớn đến giá trị thẩm mỹ của cây Bonsai. Các màu sắc thông thường hiện nay của chậu là màu xanh dương, màu lục nhạt, màu nâu, màu đỏ, màu đất nung, màu tím đất… và xu hướng của các nghệ nhân ưa dùng màu tối (màu đục mờ) để tăng vẻ cổ xưa già cỗi của cây Bonsai. Do đó thường chọn màu nâu (giống màu của đất) màu xám (nhã nhặn, phù hợp với việc trưng bày trong nhà). Màu tím, đất đỏ (thổ chu) thích hợp cho các loại cây lá kim: thông, tùng… Chậu trồng cây bonsai có hoa thường có màu sắc dối nghịch với màu sắc của hoa, ví dụ như hoa trắng dùng chậu màu nhạt, vàng hay lục, nếu hoa màu đỏ nhạt chọn chậu màu xanh dương đậm hay nhạt, còn hoa vàng nhạt dùng chậu màu lục đậm. Nếu hoa, lá đổi màu đỏ vàng vào mùa thu (ở các tỉnh miền Bắc), chọn chậu màu lục nhạt hay xanh dương đậm, cây có quả sặc sỡ dùng chậu màu tím đất.
Vị trí cây trong chậu và sự hài hòa về kích thước của cây cũng có giá trị lớn để tăng vẻ đẹp của cây Bonsai, giữ cái thế ổn định và nâng cao tính thẩm mỹ cho người thưởng ngoạn. Cây phải thật cân xứng với chậu.
Đối với cây đơn độc, nếu trồng trong chậu hình chữ nhật hay bầu dục, rộng và nông thì nên trồng cây hơi lệch sang một bên, cách mép chậu về phía bên trái hoặc bên phải khoảng 7/10, tùy theo các cành nhánh, tán cây.
Nếu trồng ở chậu tròn, vuông hay lục giác, thì trồng cây ở ngay chính giữa, trừ kiểu thác đổ, trồng cây ở gần mép chậu nơi thân cây cong xuống.
Với thân cây thẳng tán lá tròn đều thì trồng cây hơi lùi về phía sau, thân nghiêng về phía trước.
Nếu tán cây lệch về một phía thì đặt cây nghiêng về phía dối diện ở khoảng 2/3 chiều dài của chậu.
Nếu thân cây nghiêng hay cong queo thì thân nghiêng về phía nào, sẽ đặt cây hơi lệch về phía đối diện và hơi nghiêng về phía trước.
Nếu cây có tán lá lớn lệch về một phía cũng trồng lệch ngược lại như trên
Nếu với Bonsai có nhiều thân từ một gốc, thì dù chậu kiểu nào, cũng đặt ngay chính giữa
Cây Bonsai mọc thành khóm hay bụi thì chủ đề chính vẫn ở giữa chậu, các phần phụ có thể rãi đều trên mặt, nhưng hơi nghiêng về phía trước.
Đối với nhóm cây hay rừng cây, thường số thân cây lẻ nên đặt cây hơi lệch về bên phải hoặc bên trái trong chậu dạng bầu dục.
Trong nhóm có 3 cây căn bản với đường kính lớn nhất thì cây có thân lớn hơn cả là chủ thể được trồng ở vị trí thích hợp nhất lệch về một phía, cách 1/3 chiều dài cũng như 1/3 chiều rộng. Còn cây lớn thứ 2 là cây phụ được trồng gần với cây chính và gần mép hơn. Cả hai cây này được trồng thẳng đứng. Cây thứ ba là cây hỗ tương được trồng hơi nghiêng 30 độ và cách không đề 2 cây kia, cả 3 làm thành một tam giác không đều nằm gọn trong một tứ giác giữa chậu. Các thân cây còn lại có kích thước nhỏ hơn thì tùy theo vị trí mà xếp đều đặn trên một chậu. Như thế theo quy tắc về phối cảnh có thể bố trí toàn bộ rừng cây lệch về một phía như sau :
– Ba cây theo một tam giác lệch
– Năm cây theo hình thức tam giác kép
– Chín cây theo hình thức tam giác trong lục giác
– Nhiều cây không theo một hình thức nhất định và nếu thiên về một phía thì trồng dày về phía đó
Ngoài vị trí trồng cây trong chậu, kích thước của cây Bonsai cũng phải hài hòa với độ lớn của chậu. Điểm cần lưu ý là chiều cao của cây và bề rộng, dày của tán lá. Thông thường thân cây càng to thì chậu cần phải sâu, rộng. Cây có thân to, mập, nhưng thấp, chậu không cần sâu lắm, để gây ấn tượng mạnh về không gian và cự ly.
Thân cây mảnh mai đường kính nhỏ lại thích hợp với chậu nông miệng rộng, để không làm nặng đè thêm tổng thể. Bề sâu của chậu bằng hay hơi lớn hơn đường kính gốc cây Bonsai. Chiều cao của cây bằng 6 lần bề dày của chậu và chiều dài của chậu lớn xấp xỉ bằng 2/3 chiều cao thân, cũng như bằng 2/3 chiều rộng của tán cây.
Chậu cây không chỉ có nhiệm vụ tôn hết vẻ đẹp của cây Bonsai, mà còn là nơi chứa chất dinh dưỡng tối thiểu cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển. Do đó chậu nhỏ nông chỉ để trồng các cây có tán nhỏ, bộ rễ rất ít phát triển, ngược lại cây có tán lớn, bộ rễ mạnh xum xuê thì cần chậu lớn sâu, vừa tạo thế cân bằng ổng định, vừa có đủ chất dinh dưỡng cho cây sống bình thường. Cây có tán lá càng rộng thì chậu phải có bề mặt lớn, cây có hệ rễ nổi, lan rộng thì chậu phải sâu để rễ cọc bám chặt, phù trỡ cho rễ nổi ít vững chắc.
Cây cảnh – Bonsai
(Sưu tầm)

Tự làm giỏ treo cây cảnh độc đáo

Một chiếc giỏ bện bằng sợi dừa với các loại cây cảnh và hoa bên trong như rong đất, hoa dừa nước, hoa mười giờ … sẽ là một vật trang trí đắt giá trong ngôi nhà bạn

Vào những ngày nghỉ cuối tuần, bạn chỉ cần bỏ chút thời gian làm chiếc giỏ trồng cây cảnh là bạn đã có một vật trang trí để treo trước nhà hoặc trên khung cửa sổ. Mà thực hiện nó không hề phức tạp và cũng không tốn quá nhiều kinh phí.

Một chiếc giỏ cây sặc sỡ tô điểm cho ngôi nhà bạn

Các dụng cụ và nguyên vật liệu cần thiết:
– Giỏ trồng cây đan bằng sợi nhựa hoặc sợi tự nhiên, đường kính 20 – 30 cm.
– Khoan và mũi khoan.
– Đất xốp.
– Cây cảnh.
– Nước và dụng cụ tưới nước.
Bước 1: Mua sắm
Mua những chiếc giỏ treo đan bằng sợi nhựa hoặc sợi tự nhiên. Loại giỏ nhựa bền hơn nhưng loại giỏ sợi tự nhiên lại có được ưu điểm là giữ ẩm tốt hơn.

Khoan lỗ thoát nước cho gáo dừa

Sử dụng gáo dừa hoặc những chiếc bát gốm để lót giỏ, những chiếc bát này cần được khoan các lỗ thoát nước.
Bước 2: Chuẩn bị giỏ và đất

Cho đất xốp vào giỏ

Dùng một lớp vải địa kỹ thuật lót vào giỏ để tạo lớp giữ ẩm. Nếu mua được loại đất có chứa sẵn chất giữ ẩm thì lớp vải này có thể bỏ qua. Đất dùng cho các loại giỏ này là đất xốp, có thể mua ở các hiệu bán giống cây trồng. Có loại đã được trộn sẵn phân bón, chất giữ ẩm và các chất khoáng khác. Nếu chưa trộn sẵn bạn có thể mua từng thành phần về rồi trộn theo hướng dẫn trên bao bì.
Bước 3: Trồng cây

Trồng cây vào giỏ

Thông thường, những cây mua ngoài cửa hàng được chia làm các giống khác nhau. Để trồng nhiều loại cây vào giỏ, cần lưu ý đến độ cao và tốc độ mọc của cây. Những loại cây cao hơn trồng vào giữa, các cây thân thảo thấp hơn trồng ra ngoài. Nên kết hợp các cây có nhiều màu sắc khác nhau tạo nên một tác phẩm pha trộn đẹp mắt.
Bước 4: Tưới cây

Tưới cây

Sau khi trồng, tưới nhẹ một lượt lên cây để rửa sạch lá cây và tạo đổ ẩm cho đất. Vào mùa nóng nên tưới cây hàng ngày để tránh tình trạng cây héo do bị thiếu nước.
Giỏ cây cảnh đã chuẩn bị xong, bạn có thể treo lên bất kỳ chỗ nào cho dễ quan sát và tiện cho việc chăm sóc.

Theo afamily