Danh mục lưu trữ: chậu bonsai

Cách trồng và chăm sóc cây xương rồng kiểng

Là loại thực vật chịu khô hạn và ít sâu bệnh, tuy nhiên để duy trì cho cây sống khoẻ, phát triển mạnh và có thể cho hoa đẹp thì cần phải chú ý việc chăm sóc cây.

Cây Xương rồng và cây mọng nước nói chung là những cây tương đối dễ trồng và dễ chăm sóc hơn các loại cây kiểng khác vì bản thân chúng là những loại thực vật dễ thích nghi, chịu khô hạn, không đòi hỏi nhiều dưỡng chất trong đất và ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên, để duy trì cho cây sống khoẻ, phát triển mạnh và có thể cho hoa đẹp thì cần phải chú ý việc chăm sóc cây.
Nước

Cây xương rồng và cây mọng nước không cần nhiều nước. Điều quan trọng nhất là không để chúng bị ngập hoặc úng nước. Đất trồng cây xương rồng phải là loại đất xốp (đất cát pha thịt), nền đất cần thoát nước dễ dàng. Trường hợp trồng cây trong chậu, dưới đáy phải có lớp sạn sỏi và có lỗ thoát nước đủ rộng để nước trong chậu không bị ứ đọng. Bị úng nước lâu, cây dễ bị thối rữa từ rễ dần lên thân cây. Mùa mưa, nhất là vùng tập trung mưa như ở Đồng bằng sông Cửu Long (từ tháng 5 đến tháng 10), cần lưu ý che chắn và làm rãnh thoát nước cho cây xương rồng.

Nếu có điều kiện, nên để xương rồng trong nhà kiếng hoặc che chắn bằng mái nylon để dễ kiểm soát lượng nước tưới. Tưới xương rồng mới ươm hạt hoặc mới tháp vào chiều mát thì tốt hơn là tưới vào buổi sáng hoặc lúc trời nắng. Ít tưới nước hoặc để cây xương rồng khô hạn kéo dài sẽ làm cây teo tóp, không phát triển, sức đề kháng của cây trở nên kém làm cây dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Mùa nắng, từ tháng 11 đến cuối tháng 4, cách khoảng 2-3 ngày nên tưới cây một lần, có thể tưới phun hoặc tưới ngập vừa đủ ướt trên mặt đất. Cây trong chậu cần tưới thường xuyên hơn cây trồng trực tiếp trong nền đất. Chậu càng nhỏ thì cần tưới nhiều hơn chậu lớn. Hễ thấy mặt đất bắt đầu khô thì có thể tưới. Cây trồng trực tiếp dưới đất ngoài vườn thì tưới 1 lần/tuần vào mùa đông và chừng 2 lần/tuần vào mùa hè (đối với những nơi có đủ 4 mùa trong năm). Các mùa khác thì tùy biến đổi của thời tiết thì có thể tưới 1-2 lần/tuần.

Ánh sáng và không khí

Cây xương rồng và cây mọng nước là những cây ưa ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng trực tiếp vào buổi sáng. Nói chung, cây Xương rồng cần nhận ít nhất chừng 50% lượng ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào mỗi ngày (khoảng 6 giờ/ngày). Đối với cây Xương rồng con, hạt mới nảy mầm hoặc mới ươm ra hoặc được tháp ghép thì tránh ánh sáng trực tiếp, mỗi ngày chỉ cần phơi ra nắng buổi sáng khoảng 1-2 giờ là đủ.

Những cây xương rồng để trong nhà lâu ngày, khi đem ra phơi nắng trực tiếp trên 6 giờ đồg hồ có thể bị hiện tượng “cháy da cây”, thân bị nám vàng nâu hoặc đen. Cây xuơng rồng trong trong chậu để bên cửa sổ hoặc bàn làm việc thì khoảng 2-3 ngày thì nên đưa ra nắng một lần.

Cây xương rồng và cây mọng nước ưa sự thông thoáng. Vì vậy, cây phát triển tốt trong điều kiện thoáng đãng của hoang mạc, đồng cỏ, sân thượng, bao lơn nhà. Cây trồng trong nhà kiếng, đôi lúc cũng cần có mở cửa đề đón gió hoặc phải dùng quạt để thổi gió. Có nơi người ta gắn ống thông khí trên các mái nhà kiếng.

Nhiệt độ

Trong tự nhiên hoang dã, cây xương rồng và cây mọng nước có thể tồn tại, chịu đựng trong khoảng nhiệt độ lớn, chừng 10°C – 50°C. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp để cây phát triển vào khoảng 15°C – 28°C. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm cho cây ngừng phát triển và suy yếu.

Dinh dưỡng

Mặc dầu, cây xương rồng và cây mọng nước có nguồn gốc từ những vùng khô cằn, nghèo dinh dưỡng nhưng để có một cây xương rồng hoặc cây mọng nước khoẻ đẹp và phát triển tốt, cây cũng cần cung cấp dinh dưỡng cho đất.

Trong mùa phát triển, cây xương rồng và cây mọng nước đều cần chất đạm (N) để giúp sự tăng trưởng thân, chất potassium (P) cho sự phát triển của hoa và trái và chất phosphorus (P) cho sự phát triển bộ rễ. Ngoài ra, cây cũng cần một số chất vi lượng khác. Công thức NPK tổng quát cho cây xương rồng là 15 – 15 – 30.

Trong thực tế, ta nên bón phân theo thời kỳ sinh trưởng của cây như sau: Thời kỳ sinh trưởng Công thức phân bón N – P2O5 – K2O Thời kỳ cây con 16 – 16 – 8 hoặc 20 – 20 – 0 Thời kỳ tăng trưởng 18 – 19 – 30 hoặc 20 – 30 – 20 Kích thích ra hoa 10 – 60 – 10 Thời kỳ ra hoa 6 – 30 – 30 Hiện nay, trên thị trường có nhiều bình phân bón pha sẵn cho người trồng xương rồng, trong đó có công thức và hướng dẫn cách pha tưới. Liều lượng pha tưới thường vào khoảng 1 – 1.5 g/lít nước.

Cây cảnh – Bonsai
(Sưu tầm)

Chi bạc triệu mua bonsai Phật thủ đón Tết

Trái Phật thủ mang ý nghĩa tâm linh, là biểu tượng sự may mắn mang lại an lành, phúc lộc, nâng đỡ, dẫn đường chỉ lối trong con đường làm ăn công việc.

Anh Nguyễn Thanh Bình (quận 3, TP.HCM), cho biết: “Tôi bắt đầu cúng tết bằng trái Phật thủ từ năm 2010. Năm nay, nhiều của hàng đặc sản Hà Nội tại TP.HCM đã có bán nhiều loại trái này, thậm chí có cả cả chậu bonsai Phật thủ nên tôi quyết định sẽ “tậu” hẳn một chậu bonsai về chơi”. Theo anh Bình, giá một chậu bonsai 5 trái mà anh đặt hội tụ đầy đủ các yếu tố “Thịnh-Suy-Vi-Thái-Thịnh” nên có giá tới 5 triệu đồng.
Bonsai Phật thủ đang là mặt hàng trưng tết độc và lạ được ưa chuộng tại TP.HCM.
Chị Phan Thị Thùy Dung, chủ cửa hàng bán hoa quả đặc sản Hà Nội trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho biết: “Mỗi ngày tôi bán ra thị trường gần 70 quả với giá từ 200.000 đến 250.000 đồng/quả. So với các loại hoa quả khác có thể ế, không bán được lâu nhưng đối với Phật thủ thì không sợ ế hàng và có thể để được từ 2 đến 3 tháng nếu bảo quản tốt”.
Cũng theo chị Dung, từ nay đến tết cửa hàng chị sẽ nhập thêm khoảng 1.000 trái. Nếu khách hàng nào muốn mua bonsai Phật thủ thì phải thỏa thuận trước giá cả và đặt cọc 50% vì giá bonsai tại Hà Nội đã khoảng 1,5 triệu đồng/3quả, tính cả chi phí vận chuyển, bảo quản thì phải bán khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng.
Trong khi đó, anh Trần Thụ Long, một người phân phối cây, trái Phật thủ trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), chia sẻ: “Trái Phật thủ mang ý nghĩa tâm linh, là biểu tượng sự may mắn mang lại an lành, phúc lộc, nâng đỡ, dẫn đường chỉ lối trong con đường làm ăn công việc nên vào các ngày lễ lớn rằm, mùng 1 mọi người đều trưng phật thủ. Trong dịp tết năm nay, mỗi trái có hình bàn tay phật đẹp giá tầm 120.000-250.000 đồng. Nếu khách có nhu cầu mua bonsai thì nhà vườn sẽ chuyển trực tiếp từ Hà Nội vào. Tùy theo số lượng trái trên cây mà có giá thành dao động từ 1,2 triệu đến 5 triệu đồng”.
Bonsaivietnam.net Theo Dân Việt