Danh mục lưu trữ: cây kiểng

Những vườn cây kiểng bạc tỷ ở xứ Huế

Dạo khắp các sân vườn xứ Huế đều dễ dàng bắt gặp cây kiểng. Cùng với giá trị cao cả về mặt tinh thần, cây kiểng còn có giá trị về kinh tế đến… bất ngờ.

Những vườn kiểng bạc tỷ

Chúng tôi đến vườn cây cảnh của ông Đỗ Thanh Liêm, tọa lạc cách đường Huyền Trân Công Chúa một đoạn kiệt (hẻm) bê tông. Mặc dầu đã được các anh ở Trung tâm công viên cây xanh Huế giới thiệu nhiều về vườn cây kiểng nơi đây, nhưng khi tận mắt chứng kiến mới thấy hết giá trị hơn những gì mà tôi đã tưởng tượng ra trước đó.

Trong khu vườn rộng 2000m2, được bày trí la liệt cây kiểng. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cây sanh đồ sộ, bám vào một ngọn giả sơn rộng gần 2m2, được đặt ngay giữa sân. Thân cây to tướng, lá xanh ngắt, có phần ngọn vươn thẳng lên trời xanh, theo thế rồng thăng.

Cây kiểng được chăm sóc rât tỉ mỉ

Anh Thông, thợ chăm sóc cây kiểng ở đây cho biết: -“Cây sanh này đã hơn 70 năm, giờ có giá hơn 1 tỷ đồng!”. San sát trong vườn còn có nhiều cây sanh, lộc vừng, mai cổ thụ khác. Cây nào cũng có phần gốc to bự, xù xì nhưng dáng vẫn rất thanh thoát… Ông Đỗ Thanh Liêm nhẩm tính: – Trong vườn hiện có 5 cây có giá trị mỗi cây hơn 1 tỷ đồng, còn lại đa số là trên dưới 500 triệu đồng/cây.

Một trong những người có bề dày chơi cây kiểng trên đất Huế hiện nay là ông Nguyễn Hữu Vấn ở 7/28 Lê Thánh Tôn, là chủ nhân nhà hàng Tịnh Gia Viên. Ông bắt đầu sưu tầm và chăm sóc cây kiểng từ năm 1968, đến nay, sở hữu nhiều cây kiểng có giá trị, với tuổi cây trên trăm năm. Ông có cây sanh có người trả mua 1 tỷ đồng nhưng không bán. Năm 2009, có một số người buôn cây kiểng phía Bắc vào hỏi mua không được, họ lập mưu ăn trộm trót lọt.

Nhưng dường như cây kiểng chỉ bén duyên với chính nghĩa. Vô vọng thời gian dài, một hôm, bà Tôn Nữ Thị Hà (phu nhân ông Vấn) công tác ra Bắc tình cờ phát hiện cây sanh của mình đang triển lãm tại hội chợ sinh vật cảnh Hải Dương. Nhờ có bức ảnh của gia đình đứng bên cây trước đó làm chứng cớ, Công an tỉnh đã ra Hải Dương thu hồi, bàn giao lại cho gia đình vào năm ngoái.

Cùng với cây sanh, Tịnh Gia Viên còn có 2 cây mai, một long thăng, một long ngọa đều có giá trị bạc tỷ. Các chậu cảnh khác có giá từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng rất nhiều.

Cây mai trên 100 tuổi ở Tịnh Gia Viên

Kỹ sư Lê Thông Tính, Đội trưởng cây kiểng Trung tâm công viên cây xanh Huế cho hay: – Huế còn rất nhiều vườn kiểng nổi tiếng, khó kể ra hết. Riêng tại vườn kiểng của công ty có hơn 3000 chậu cây, trong đó, có cây sơ ri hiện lớn nhất Việt Nam; cây mai ngự, cây kim quýt, cây chổi… rất có giá trị.
Điều thú vị là đa số người trong giới đam mê sinh vật cảnh đều có tấm lòng hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Ông Đỗ Thanh Liêm tâm sự: – “Vườn kiểng có được hôm nay, một phần rất lớn là nhờ những người đi trước, trong đó, có anh Chiến, một nghệ nhân sinh vật cảnh nổi tiếng đất Nam Định. Dù đường sá xa xôi nhưng khi mình cần, điện thoại là anh sắp xếp vào ngay, bởi anh rất trân trọng “máu” chơi sinh vật kiểng của gia đình mình…”.

Bản thân ông Liêm cũng vừa đầu tư hơn 1 tỷ đồng, xây dựng khu nhà rường ngay trong vườn kiểng, mở quán cà phê mang tên “Phúc-Lộc-Thọ”, sẽ khai trương vào tháng 5 tới. Chúng tôi hỏi:- Vị trí vắng vẻ thế này liệu có khách không?- Ông trả lời:- Tôi mở quán cà phê không phải để kinh doanh, chủ yếu để những người đam mê sinh vật cảnh đến thưởng thức cây cối, trao đổi kinh nghiệm!…

Giá trị tinh thần vẫn là chủ đạo

Vì sao cây kiểng lại có giá trị kinh tế lớn như vậy? Ông Liêm giải thích: -Giá trị chính của cây cảnh chính là giá trị tinh thần. Cây càng cổ thì càng có giá trị; đặc biệt là những cây có nguồn gốc từ cung điện, phủ đệ của vua chúa. Nó na ná giống như cổ vật, ai yêu quý, muốn sở hữu được thì phải mua.
Ngoài ra, còn có nhiều lý lẽ rất thường tình như khi xây xong một ngôi nhà, biệt thự hay khách sạn, muốn có một vài chậu cảnh để trang trí cho tương xứng với công trình của mình; hoặc cũng có một vài quan niệm về mặt tâm linh…

Giống mai ngự quý hiếm đang được bảo quản tại Công viên cây xanh Huế

Theo ông Nguyễn Hữu Vấn, một cây kiểng phải hội tụ 4 yếu tố: rễ, thân, cành và lá. Rễ phải đều 4 bên, điểm xuyết và phải tỷ lệ với thân. Thân bao gồm dáng và thế: dáng là bên ngoài, trực hay huyền; thế là tinh thần của cây, vững chãi hay mềm mại, nhẹ nhàng hay thoáng đãng. Cành dưới phải lớn hơn cành trên. Lá phải tươi, không bị sâu…. Cây kiểng có giá trị còn căn cứ vào tiêu chí: cổ, kỳ, mỹ. Cổ là tuổi cây, càng cao càng quý. Kỳ là kỳ lạ, đột biến. Mỹ là phải đẹp…

Ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Huế nhận định: Có một thời gian dài, do điều kiện kinh tế khó khăn nên nghề cây kiểng Huế nói riêng và sinh vật cảnh nói chung có phần mai một. Song, tâm hồn người Huế vẫn thoáng đãng, còn lưu giữ phong cách chơi cây kiểng và đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Chúng tôi sẽ thành lập hội sinh vật cảnh thành phố, để tổ chức các hoạt động đào tạo, tham quan, học hỏi nâng cao tay nghề cho các hội viên. Hội sinh vật cảnh còn là môi trường tốt, để tập hợp bảo tồn các cá thể, nguồn gen cây kiểng quý, vốn là thế mạnh của vùng đất cố đô!

Cây kiểng ở Huế vẫn có nhiều điểm riêng so với nhiều vùng khác trong cả nước. Chẳng hạn như mai Huế hoa nở có màu vàng đậm, mùi thơm nhẹ nhàng. Cánh hoa phần nhiều chỉ 5 cánh, theo thế ngũ phúc: phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Lá tự rụng trước khi nở. Hoặc như cây sanh Huế có lá nhỏ và láng. Đặc biệt, ở Huế còn có cây mai ngự. Đây là loại mai trước đây chỉ trồng trong hoàng thành Huế. Đặc điểm của mai ngự là lá dài hình răng cưa; mỗi năm ra hoa 2 lần vào mùa Xuân và mùa Thu. Hoa có sắc màu vàng đậm, hương thơm, nụ to thể hiện sức sống mãnh liệt. Hiện nay, giống mai này đang được lưu giữ tại Trung tâm công viên cây xanh Huế.

Ở Huế còn có một loại cây mà một thời dân Huế rất ưa chuộng như một triết lý nhân sinh, đó là cây địa lan. Đặc điểm của hoa này chỉ nở 1 lần 1 hoa; hoa này sắp tàn thì hoa kia nở, như 1 mẹ 1 con vậy. Hoa có màu xám tro rất đẹp. Xưa, các cụ thường ngồi uống nước trà bên địa lan, thường lấy tay vuốt lá, làm cho lá hoa thêm đen bóng. Loài hoa này hiện còn trồng ở nhà bác Vĩnh Ký đường Trần Hưng Đạo, TP Huế.

Đặng Thành 
Theo Báo Thừa Thiên Huế

Cách chọn chậu cảnh phù hợp với thế cây cảnh, bonsai

Ngoài việc biết cách chăm sóc, tạo dáng phải chọn cho cây cảnh, bonsai một chiếc chậu phù hợp với thế, dáng cây và không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.

Dưới đây là vài ý nhằm tạo ra sự hài hoà giữ chậu và cây cảnh:
– Thế Bonsai thẳng đứng, chọn chậu hình chữ nhật hay bầu dục, với bề sâu sắp xỉ bằng đường kính thân cây và bề rộng tương ứng với bóng tán lá rũ xuống.
– Thế Bonsai hơi nghiêng, chọn chậu tròn, vuông, bầu dục hay hình chữ nhật có bề sâu gần bằng đường kính thân cây.
– Thế Bonsai nghiêng, chọn chậu có cạnh thẳng đứng và hơi sâu, nếu có rễ nổi lên mặt đất, chọn chậu hơi rộng một chút để có thế cân bằng và ổn định.
– Thế Bonsai nửa thác đổ, chọn chậu vuông, lục giác, hay tròn có miệng hẹp nhưng sâu.
– Thế Bonsai thác đổ, chọn chậu hẹp và sâu.
– Thế Bonsai gió đùa, chọn chậu tròn hay vuông khá sâu, thường gấp 3-4 lần đường kính thân, và đường kính chậu lại hẹp để cân bằng thẩm mỹ và kiểu dáng.
– Thế Bonsai văn nhân, chọn chậu tròn vuông, lục giác, loe miệng nhỏ hơi sâu, thường lớn hơn đường kính thân cây một chút, như vậy nó phù hợp với dáng cao, mảnh mai của cây.
– Thế Bonsai dáng chổi, chọn chậu nông, rộng, đứng.
– Thế Bonsai hai thân, chọn chậu hình bầu dục, nông
– Thế Bonsai nhiều thân chọn chậu nông, rộng.
– Thế Bonsai lùm bụi, rừng cây, chọn chậu rộng và rất nông hình tròn hay bầu dục.
– Thế Bonsai bè gỗ, chọn chậu rộng và đất nông (như khay).
– Thế Bonsai đá bám, nếu bộ rễ vừa bám đá vừa bám đất thì chọn chậu hơi sâu, nếu bộ rễ chỉ bám đá thì chọn chậu rất nông (như khay) để tảng đá đó lên lớp cát mỏng hay sỏi nhỏ.
Ngoài hình dáng màu sắc của chậu cũng ảnh hưởng lớn đến giá trị thẩm mỹ của cây Bonsai. Các màu sắc thông thường hiện nay của chậu là màu xanh dương, màu lục nhạt, màu nâu, màu đỏ, màu đất nung, màu tím đất… và xu hướng của các nghệ nhân ưa dùng màu tối (màu đục mờ) để tăng vẻ cổ xưa già cỗi của cây Bonsai. Do đó thường chọn màu nâu (giống màu của đất) màu xám (nhã nhặn, phù hợp với việc trưng bày trong nhà). Màu tím, đất đỏ (thổ chu) thích hợp cho các loại cây lá kim: thông, tùng… Chậu trồng cây bonsai có hoa thường có màu sắc dối nghịch với màu sắc của hoa, ví dụ như hoa trắng dùng chậu màu nhạt, vàng hay lục, nếu hoa màu đỏ nhạt chọn chậu màu xanh dương đậm hay nhạt, còn hoa vàng nhạt dùng chậu màu lục đậm. Nếu hoa, lá đổi màu đỏ vàng vào mùa thu (ở các tỉnh miền Bắc), chọn chậu màu lục nhạt hay xanh dương đậm, cây có quả sặc sỡ dùng chậu màu tím đất.
Vị trí cây trong chậu và sự hài hòa về kích thước của cây cũng có giá trị lớn để tăng vẻ đẹp của cây Bonsai, giữ cái thế ổn định và nâng cao tính thẩm mỹ cho người thưởng ngoạn. Cây phải thật cân xứng với chậu.
Đối với cây đơn độc, nếu trồng trong chậu hình chữ nhật hay bầu dục, rộng và nông thì nên trồng cây hơi lệch sang một bên, cách mép chậu về phía bên trái hoặc bên phải khoảng 7/10, tùy theo các cành nhánh, tán cây.
Nếu trồng ở chậu tròn, vuông hay lục giác, thì trồng cây ở ngay chính giữa, trừ kiểu thác đổ, trồng cây ở gần mép chậu nơi thân cây cong xuống.
Với thân cây thẳng tán lá tròn đều thì trồng cây hơi lùi về phía sau, thân nghiêng về phía trước.
Nếu tán cây lệch về một phía thì đặt cây nghiêng về phía dối diện ở khoảng 2/3 chiều dài của chậu.
Nếu thân cây nghiêng hay cong queo thì thân nghiêng về phía nào, sẽ đặt cây hơi lệch về phía đối diện và hơi nghiêng về phía trước.
Nếu cây có tán lá lớn lệch về một phía cũng trồng lệch ngược lại như trên
Nếu với Bonsai có nhiều thân từ một gốc, thì dù chậu kiểu nào, cũng đặt ngay chính giữa
Cây Bonsai mọc thành khóm hay bụi thì chủ đề chính vẫn ở giữa chậu, các phần phụ có thể rãi đều trên mặt, nhưng hơi nghiêng về phía trước.
Đối với nhóm cây hay rừng cây, thường số thân cây lẻ nên đặt cây hơi lệch về bên phải hoặc bên trái trong chậu dạng bầu dục.
Trong nhóm có 3 cây căn bản với đường kính lớn nhất thì cây có thân lớn hơn cả là chủ thể được trồng ở vị trí thích hợp nhất lệch về một phía, cách 1/3 chiều dài cũng như 1/3 chiều rộng. Còn cây lớn thứ 2 là cây phụ được trồng gần với cây chính và gần mép hơn. Cả hai cây này được trồng thẳng đứng. Cây thứ ba là cây hỗ tương được trồng hơi nghiêng 30 độ và cách không đề 2 cây kia, cả 3 làm thành một tam giác không đều nằm gọn trong một tứ giác giữa chậu. Các thân cây còn lại có kích thước nhỏ hơn thì tùy theo vị trí mà xếp đều đặn trên một chậu. Như thế theo quy tắc về phối cảnh có thể bố trí toàn bộ rừng cây lệch về một phía như sau :
– Ba cây theo một tam giác lệch
– Năm cây theo hình thức tam giác kép
– Chín cây theo hình thức tam giác trong lục giác
– Nhiều cây không theo một hình thức nhất định và nếu thiên về một phía thì trồng dày về phía đó
Ngoài vị trí trồng cây trong chậu, kích thước của cây Bonsai cũng phải hài hòa với độ lớn của chậu. Điểm cần lưu ý là chiều cao của cây và bề rộng, dày của tán lá. Thông thường thân cây càng to thì chậu cần phải sâu, rộng. Cây có thân to, mập, nhưng thấp, chậu không cần sâu lắm, để gây ấn tượng mạnh về không gian và cự ly.
Thân cây mảnh mai đường kính nhỏ lại thích hợp với chậu nông miệng rộng, để không làm nặng đè thêm tổng thể. Bề sâu của chậu bằng hay hơi lớn hơn đường kính gốc cây Bonsai. Chiều cao của cây bằng 6 lần bề dày của chậu và chiều dài của chậu lớn xấp xỉ bằng 2/3 chiều cao thân, cũng như bằng 2/3 chiều rộng của tán cây.
Chậu cây không chỉ có nhiệm vụ tôn hết vẻ đẹp của cây Bonsai, mà còn là nơi chứa chất dinh dưỡng tối thiểu cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển. Do đó chậu nhỏ nông chỉ để trồng các cây có tán nhỏ, bộ rễ rất ít phát triển, ngược lại cây có tán lớn, bộ rễ mạnh xum xuê thì cần chậu lớn sâu, vừa tạo thế cân bằng ổng định, vừa có đủ chất dinh dưỡng cho cây sống bình thường. Cây có tán lá càng rộng thì chậu phải có bề mặt lớn, cây có hệ rễ nổi, lan rộng thì chậu phải sâu để rễ cọc bám chặt, phù trỡ cho rễ nổi ít vững chắc.
Cây cảnh – Bonsai
(Sưu tầm)